(Baonghean) - Dưới chân dãy Pha Cà Tún mờ sương, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bằng bàn tay, khối óc và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Quế Phong đã mở rộng con đường dẫn vào các bản làng, phá vỡ thế cô lập bao đời nay. Con đường sáng ngời màu áo xanh đoàn viên ấy, dường như cũng chính là con đường vào lòng dân...
 
Những ngày trung tuần tháng 3, một dịp tình cờ đã đưa chúng tôi rong ruổi trên con đường độc đạo dẫn vào Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 (Quế Phong) - nơi sinh sống bao đời nay của đồng bào dân tộc Mông. Con đường ngoằn ngoèo, một bên dốc cao, một bên vực thẳm với bề ngang chưa đầy 1m đầy khúc cua và vô số ổ voi, ổ gà dễ làm rợn ngợp bất kỳ ai lần đầu tiên chứng kiến. Nếu tính đằng sằng ra, từ trung tâm xã Tri Lễ vào các bản Huồi Mới chỉ có chiều dài độ 7 - 8 km, nhưng con đường khổ ải ấy đã khiến thời gian đi, về tăng lên gấp chục lần.
 
images951159_4b.jpgThanh niên tình nguyện làm đường vào bản Huồi Mới 1.
 
Vặn ga leo lên con dốc cuối cùng, rốt cuộc thì Huồi Mới đã hiện ra trước mắt với  những mái nhà sa mu cổ kính bình yên. Anh Thò Chia Chư - Trưởng bản Huồi Mới 1 cho biết: Mấy chục năm về trước đồng bào mình khổ lắm, vì tập quán du canh du cư, sống dựa vào rừng, phát nương làm rẫy. Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống khá lên nhiều rồi, trẻ con đã biết đi học, người lớn biết nuôi bò, nuôi trâu, làm ruộng bậc thang… Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, vẫn có những gia đình cho thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nhưng hiện tại, khó khăn nhất là giao thông..., câu chuyện bỏ lửng bởi sự trầm ngâm của Trưởng bản Chư.
 
Anh Và Bá Và - người được mệnh danh là “triệu phú” Huồi Mới 1 tiếp lời: Con ta là Và Ý Phua, đang học lớp 7 nội trú ngoài xã. Nắng ráo thì còn cố gắng đi, trời mưa hay lốc xoáy là chịu thua, con ta không về nhà lấy gạo lấy tiền đi học được, ta cũng không đi thăm con được! Bà con làm ra nông sản cũng không buôn bán được vì ra cũng khó mà vào cũng chẳng có ai”. Sự lo lắng ấy không phải là không có cơ sở, bởi anh Và còn có hai đứa con khác là Và Bá Pó (lớp 5) và Và Bá Tu (lớp 4), chỉ sang năm nữa thôi, hai đứa trẻ sẽ tiếp bước người anh của nó theo học các cấp cao hơn nữa. Con đường độc đạo hiểm nguy ấy trở thành nỗi lòng canh cánh bao đời của bà con dân bản, chỉ mong sao có một con đường mới rộng rãi, thuận lợi hơn.
 
Và rồi, những ngày trung tuần tháng 3 chớm nắng đã mang lại cho 109 hộ dân Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 niềm vui thật sự, khi màu áo xanh tình nguyện đã thắp sáng bản làng bằng sức trẻ và những hy vọng về tương lai. Một buổi sáng dậy sớm hơn thường lệ, Trưởng bản Chư cùng những đồng bào của mình bồn chồn đứng đợi trước con đường dẫn vào bản. Đã hẹn từ trước, 400 đoàn viên thanh niên trong toàn huyện nô nức hưởng ứng công trình thanh niên làm đường lên bản Mông, dẫn đầu là đoàn xe gắn cờ Tổ quốc và lá cờ truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tung bay rực rỡ trong không gian núi rừng biên viễn. Lại gần hơn mới thấy, sau yên xe mỗi người lỉnh kỉnh nào gạo muối, cá khô, mỳ tôm…
 
Khuôn mặt chưa ráo mồ hôi sau mấy tiếng đồng hồ “căng sức” với cung đường hiểm trở, anh Ninh Tiến Anh - đoàn viên chi đoàn UBND huyện nở nụ cười rạng rỡ: “Không có gì là không thể. Đường hẹp và dốc, nhưng tất cả chúng tôi đều xác định phải  thực hiện thành công công trình đường vào bản Mông này. Đường sẽ được mở rộng ra 2- 2,5m, hạ độ cao khoảng 40 - 50cm, những đoạn xói lở do mưa lốc cũng sẽ được hàn gắn lại bằng 4 cầu tạm... Đoàn viên cũng xác định làm công trình vì dân, nên mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt đều tự túc, không gây phiền hà đến dân bản!”
 
Trong tiếng cuốc, xẻng và tiếng cười nói râm ran, có một cô gái nhỏ luôn nở nụ cười duyên dáng cũng đang hồ hởi cuốc đất không thua kém gì các bạn trai bên cạnh. Dẫu đôi bàn tay con gái yếu ớt, mỏng manh bị bỏng rộp lên vì cầm cuốc, xẻng suốt mấy ngày liền, đoàn viên Sầm Thị Hiếu vẫn “cảm thấy hãnh diện vì được góp sức mình để mở đường vào bản Mông. Hy vọng, khi con đường hoàn thành, bà con đi lại thuận lợi, ít gian truân hơn”.
 
Là những người lính đóng quân nơi vùng cao biên giới, những đoàn viên, thanh niên của Ban CHQS huyện Quế Phong chắc chắn không lạ lẫm gì nỗi vất vả của đồng bào dân tộc ở các bản làng xa xôi. Khắp dải đất miền biên viễn, có lẽ không nơi đâu là không in dấu chân của người lính.  Và hôm nay, trên cung đường còn dang dở vào Huồi Mới 1, 2, thêm một lần nữa, các anh chung tay cùng thế hệ trẻ Quế Phong mở đường cho dân bản. 
 
Cái không khí hừng hực sức trẻ đã đánh thức cả bản làng xa xôi. Có lẽ từ thuở khai hoang, lập bản, chưa bao giờ không gian Huồi Mới lại sôi động, rộn rã như những ngày qua. Các bác, các bà hay các chị đồng bào Mông tạm gác công việc mưu sinh hàng ngày ra làm đường cùng thanh niên. Xúc động nhất là những chị có con nhỏ vẫn địu con sau lưng, lúi cúi cuốc cào dưới ánh nắng oi nồng. Chị Vừ Y Dừ ở bản Huồi Mới 1, dù con mới 4 tháng tuổi nhưng 3 ngày qua, cứ đến giờ là chị địu con nhỏ sau lưng cầm xẻng ra làm đường. “Thấy thanh niên lên làm đường, dân bản ta ai cũng phấn khởi lắm! Ta cũng ra giúp thanh niên một tay làm cho nhanh xong”, chị Dừ chia sẻ với vốn tiếng Kinh bập bẹ của mình.
 

Công trình đường vào bản Mông được thực hiện thường niên, theo chiến dịch, bắt đầu từ năm 2014. Đến nay, qua 4 năm triển khai, những chiến dịch này đã thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện tính xung kích của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong các hoạt động an sinh, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới!

 
Rời Huồi Mới khi con đường ngoằn ngoèo đã tươi rói màu đất đỏ. Đưa mắt nhìn ra không gian mênh mông rừng núi, thay vì sự sợ hãi rợn ngợp, tất cả chỉ còn lại những thanh thản và bình yên đến lạ kỳ. Huồi Mới đã thực sự mới rồi, con đường vòng quanh núi ấy đã dấy lên những niềm tin vào sức trẻ nơi biên cương Tổ quốc, mang lại những hy vọng đổi thay dưới chân Pha Cà Tún.
 
Phương Chi