Mitsubishi Outlander bản cao cấp nổi trội nhờ khả năng chở 7 người, nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, nhưng có mức giá cao hơn so với Honda CR-V và Mazda CX-5.

Mitsubishi Outlander 2016 là tân binh trong phân khúc crossover tầm giá 1 tỷ đồng tại Việt Nam. Outlander có 3 phiên bản, bao gồm 2.0 CVT STD có mức giá 975 triệu đồng, 2.0 CVT giá 1,123 tỷ đồng và bản cao cấp nhất 2.4 CVT giá 1,275 tỷ đồng.

images1674347_mitsubishi_outlander__nhieu_trang_bi__cho_duoc_7_nguoi_hinh_anh_1_57c9036cdaf03.jpgOutlander là tân binh trong phân khúc crossover cỡ trung tại Việt Nam.

Chiếc xe sử dụng trong bài đánh giá này là bản cao cấp nhất (2.4 CVT, giá 1,275 tỷ đồng). Đây cũng là mẫu xe duy nhất trong phân khúc được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.

Outlander là chiếc crossover cỡ trung được giới thiệu tại Nhật lần đầu vào năm 2001. Mẫu xe này có phẩm chất của một chiếc SUV để off-road với gầm cao, truyền động 4 bánh, nhưng vẫn tiết kiệm nhờ động cơ nhỏ và kích thước vừa phải.

Ngoại hình

Mitsubishi Outlander thế hệ thứ tư được cách tân thiết kế, sử dụng ngôn ngữ “Dynamic Shield”, kiểu thiết kế mới trên hầu hết các dòng xe của Mitsubishi.

Theo Mitsubishi, Dynamic Shield với tâm điểm là hai thanh chrome ở phần đầu tạo hình chữ X, bóng loáng và nhô ra phía trước tạo thành chiếc khiên bảo vệ những người ngồi trong xe. Ý tưởng này xuất phát từ chiếc Mitsubishi Pajero nổi tiếng của hãng, có cản trước nhô ra phía trước khá dài.

Phần đầu gây ấn tượng nhờ những nẹp chrome lớn.

Thiết kế vẫn là điểm yếu của Mitsubishi trong hơn một thập kỷ qua, vì vậy, hãng xe Nhật Bản kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng bằng cách thay đổi ngôn ngữ thiết kế trên hầu hết mẫu xe đời mới. Đường nét mang tính bảo thủ trên những thế hệ Outlander trước đây được thay thế hoàn toàn. Những đường gân cứng cáp, dứt khoát và liền mạch từ đầu tới đuôi thay cho đường nét mềm mại, èo uột của thế hệ trước. 

Ca-lăng cũng bổ sung hai thanh chrome lớn chiếm phần lớn diện tích cùng logo nằm ở vị trí trung tâm. Dải đèn LED định vị tạo điểm nhấn với dàn đèn pha kết hợp giữa đèn LED và đèn projector cho cảm giác liền mạch. Ở vị trí góc cản trước cũng có thêm hai đèn sương mù.

Thiết kế đèn hậu lồi và cánh gió đuôi trông thể thao.

Phần đuôi xe, cụm đèn hậu LED lồi hẳn, mang phong cách của những chiếc Lexus LX570. Với Outlander 2016, Mitsubishi cố gắng tinh chỉnh thiết kế khiến các đường nét trở nên mạch lạc hơn.

Chiều cao gầm lên tới 19 cm, cao hơn so với đối thủ Honda CR-V 20 mm. Mặc dù vậy, chiều cao tổng thể Outlander lại thấp hơn CR-V 10 mm.

Mui xe được thiết kế mượt mà hơn, không còn những đường gân cơ bắp mà chỉ còn hai gờ nhỏ. Nhìn chung, Outlander 2016 là chiếc xe có thiết kế trung tính, phù hợp với những gia đình muốn một chiếc xe đa dụng, chứa được nhiều người và hành lý.

Nội thất

Bên trong, nội thất khá đơn giản, bảng điều khiển ít nút bấm nhờ việc thu gọn các chức năng vào bên trong màn hình cảm ứng. Cách bố trí khá hợp lý, người lái có thể vừa điều khiển xe vừa chỉnh nhiệt độ, tăng giảm âm lượng thông qua núm volume nhỏ trên bảng điều khiển.

Nội thất đơn giản, ít nút bấm.

Vị trí tuyệt vời nhất bên trong cabin là khu vực dành cho người lái. Outlander dành sự ưu tiên nhất ở vị trí này. Ghế lái chỉnh điện 8 hướng, các nút điều khiển trong tầm tay, màn hình cảm ứng với giao diện dễ sử dụng. Các nút bấm điều chỉnh âm lượng, menu được tích hợp trên tay lái.

Hàng ghế thứ 2 có thể kéo tới, lui.

Khoang nội thất bọc da hầu như toàn bộ, cảm giác ấm áp và rộng rãi. Những tấm nhựa giả gỗ xuất hiện ở bảng táp-lô, sau cánh cửa với độ hoàn thiện cao. Về cơ bản, chất liệu nội thất ngang ngửa các đối thủ như Subaru Forester, Toyota RAV4 hay Honda CR-V.

Hàng ghế thứ 3 là điểm nổi bật so với đối thủ.

Outlander là chiếc xe yên tĩnh, thoải mái cho hành khách ở băng ghế thứ nhất và thứ 2. Hàng ghế thứ 3 chỉ có trên phiên bản cao cấp, tuy nhiên cũng chỉ phù hợp với trẻ nhỏ hoặc gập phẳng xuống sàn nhằm tăng không gian chứa hành lý.

Không gian tổng thể rộng hơn so với Honda CR-V, Toyota RAV4 và Subaru Forester. Outlander có hàng ghế trước chỉnh điện giúp người lái và hành khách có tầm nhìn tốt và tư thế ngồi thoải mái.

Hàng ghế thứ 2 không bằng phẳng và hơi cứng, nhưng cũng khá rộng so với những mẫu xe cùng phân khúc. Nó đủ thoải mái cho hai người lớn, nhưng nếu 3 người cùng ngồi sẽ hơi chật.

Điểm tốt nhất trong thiết kế nội thất của Outlander là khoang hành lý hoàn toàn phẳng, không gian rộng và yên tĩnh.

Cốp rộng và phẳng.

Trang bị trên xe bao gồm chìa khóa keyless tích hợp khóa/mở cửa từ xa, mở cửa sau. Khởi động bằng nút bấm, điều hòa nhiệt độ tự động, kiểm soát hành trình cruiser control, điều khiển âm thanh trên tay lái, kết nối Bluetooth, dàn âm thanh 6 loa, công suất 140 watt. Đèn hậu LED, bánh xe hợp kim 18 inch, gương chiếu hậu chỉnh điện và hệ thống sửi kính chắn gió. Đèn pha tự động bật sáng khi trời tối. 

Ngoài ra, một tính năng khá thú vị khi chạy trên đường Sài Gòn vào mùa mưa là cần gạt nước mưa cảm biến, tốc độ sẽ tăng theo cường độ cơn mưa.

Cảm giác lái

Ngoài thiết kế mới, Outlander 2016 cũng được bổ sung hệ thống truyền dẫn mới, hiệu suất cao hơn.

Vô-lăng trợ lực điện cho cảm giác lái khá nhẹ. Với những người quen dùng tay lái trợ lực dầu như trên Toyota Fortuner sẽ cảm thấy một chút hẫng tay khi lần đầu cầm lái Outlander. Tuy nhiên cảm giác điều khiển sẽ trở nên thú vị khi bạn bắt đầu quen với chiếc xe này, dễ dàng điều khiển bằng một tay, và tay còn lại đặt trên cần số tự động hay điều chỉnh hệ thống giải trí, dẫn đường…

Outlander có khả năng tăng tốc rất nhanh.

Mitsubishi Outlander phiên bản 2.4 CVT sản sinh công suất 166 mã lực, không quá nhiều đối với một chiếc xe nặng 1,5 tấn. Mặc dù vậy, phản ứng từ chân ga nhanh tức thời một cách đáng ngạc nhiên. Chỉ cần nhích nhẹ pedal, chiếc xe đã chồm ngay về phía trước. Nguyên nhân xuất phát từ hộp số tự động vô cấp CVT, giúp xe nhanh nhạy hơn.

Khối động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng hoạt động êm ái tới mức có những lúc, bạn không biết liệu đã nổ máy hay chưa. Cách tốt nhất là về số N và thử nháy nhẹ chân ga hoặc nhìn đồng hồ báo tua máy.

Hộp số CVT phát huy tác dụng ở giai đoạn tăng tốc, tuy nhiên khi lên tới vận tốc khoảng 100 km/h, cảm giác có một sự chùng xuống và hơi thiếu quyết đoán, điều này hộp số bánh răng truyền thống vẫn làm tốt hơn.

Cách âm khoang cabin khá tốt, tiếng máy không vọng vào nhiều cho dù ở tốc độ cao. Chiếc xe lẵng lẽ lướt trên phố, và hình ảnh bên ngoài ô cửa như một thước phim câm. Để đạt được điều này, Mitsubishi đã chèn một lớp vật liệu hấp thụ âm phía sau vỏ xe nhằm giảm đến mức tối thiểu tạp âm bên ngoài vọng vào. Tuy nhiên cách âm gầm chỉ ở mức khá, đây là nhược điểm trên hầu hết xe crossover bởi sử dụng khung liền thân (unibody).

Hai phiên bản 2.0 chỉ có cầu trước chủ động, trong khi phiên bản 2.4 sử dụng trong bài kiểm tra này có 4 bánh chủ động.

Độ cao gầm 19 cm nên có thể chạy off-road.

Mặc dù hướng tới những khách hàng gia đình, nhưng Mitsubishi vẫn đề cao khả năng off-road của mẫu xe này. Nhờ gầm cao 19 cm, xe có thể vượt qua những địa hình mấp mô hay vũng lầy khá đơn giản. Giảm sốc trước được tăng cường độ cứng. Theo đại diện Mitsubishi, việc thay đổi nhằm đem lại cảm giác thể thao.

Tính năng an toàn

Mitsubishi Outlander có cấu trúc an toàn cao nhất trong phân khúc, bao gồm cả chủ động và bị động. Chiếc xe này đạt kết quả cao nhất trong các bài kiểm tra bởi IIHS, với 4 sao thử nghiệm đâm va trực diện và 5 sao với bài kiểm tra đâm xe ngang hông.

Outlander đạt điểm an toàn 5 sao.

Các thiết bị an toàn chủ động gồm hệ thống chống bó cứng phanh ABS bốn kênh, phân bổ lực phanh điện tử, kiểm soát ổn định điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ phanh khẩn cấp, kiểm soát lực kéo chống trượt, cảnh báo va chạm phía trước, báo hiệu chệch làn đường, điều khiển hành trình thích ứng.

Tính năng an toàn thụ động gồm 7 túi khí, bao gồm cả túi khí đầu gối, túi khí rèm. Khung xe hấp thụ xung lực.

Nhìn chung, Outlander là chiếc xe không quá phô trương, hướng nội, khá ấm áp và tập trung vào sức chứa. Theo EPA, Outlander phiên bản dẫn động 4 bánh tiêu thụ 9,8 lít/100 km trên đường phố, 8,1 lít/100km trên xa lộ, trung bình 9 lít/100km.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN