(Baonghean.vn) - Các doanh nghiệp châu Âu đang háo hức muốn nhảy vào Iran sau khi lệnh trừng phạt áp đặt đối với quốc gia này được gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin truyền thông, thách thức vị thế của Nga và Trung Quốc sẽ “chẳng hề dễ dàng”.

resize_images1539911_1.jpgTổng thống Iran và Thủ tướng Italy duyệt binh danh dự tại Tehran ngày 12/4. Ảnh: Reuters.

Trang web của Australia có tên The Conversation ví von thị trường Iran như “miếng bánh tuy lớn, nhưng ai cũng muốn xí phần”, khi nước này đang rộng cửa chào đón các nước phương Tây sau khi các đòn trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân Tehran được dỡ bỏ.

Trong số những “cái tên đình đám” đang sẵn lòng đổ tiền đầu tư vào đây có ông lớn ngành công nghiệp Đức Siemens, công ty dầu lửa và khí đốt Shell, hãng sản xuất ô tô Peugeot và Renault của Pháp, và cả tập đoàn Airbus.

Chưa hết, các kênh tin còn đưa tin sâu về chuyến công du tới Iran hồi tháng trước của Thủ tướng Italy Matteo Renzi cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và quốc phòng, cũng như chuyến thăm của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cùng các đại diện doanh nghiệp và 7 ủy viên EU phụ trách các vấn đề vận tải, năng lượng và công nghiệp.

Đó đều là những tín hiệu cho thấy mức độ quan tâm rất cao đối với việc khôi phục quan hệ kinh tế với Iran.

Ngoại trưởng Iran và người phụ trách chính sách đối ngoại EU trong buổi họp báo ở Vienna ngày 16/1. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, rõ ràng vẫn còn nhiều rào cản khiến châu Âu rơi vào thế bất lợi nếu so sánh với Trung Quốc và Nga, 2 quốc gia vốn đã hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt và hiện lại đang “có chỗ đứng vững chắc” trên thị trường Iran.

Trang web trên lưu ý: “Cơn sốt Iran đang bị kìm hãm do các lệnh trừng phạt dai dẳng còn lại không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, và có thể dễ bị áp dụng cho các công ty châu Âu”.

Trong số này có các lệnh trừng phạt đối với công nghệ tên lửa và vũ khí thông thường, các lệnh trừng phạt danh sách khủng bố và trừng phạt nhằm vào bất cứ ai có liên hệ với việc hỗ trợ khủng bố, tên lửa đạn đạo, vi phạm nhân quyền và gây bất ổn khu vực, bao gồm cả tại Syria và Yemen.

Theo chỉ dẫn của Nhà Trắng, trang web còn cho biết bất cứ ai bị phát hiện có quan hệ với những người nằm trong danh sách công dân đặc biệt (SDN) sẽ “có nguy cơ bị tách khỏi hệ thống tài chính của Mỹ, kể cả các định chế tài chính nước ngoài muốn mạo hiểm đánh mất tài khoản ủy thác tại các ngân hàng của Mỹ”.

Trong một bài phân tích khác cũng về vấn đề này, tờ Bloomberg nhấn mạnh cũng vì lý do đó, các ngân hàng lớn nhất của châu Âu muốn tránh xa Iran, “không sẵn lòng tiến gần các doanh nghiệp có liên quan tới Iran do e sợ rằng họ sẽ vấp phải lệnh trừng phạt còn sót lại của Mỹ tại nước này”.

Trong số những bên “chưa sẵn sàng kinh doanh tại Iran” có ngân hàng Societe Generale SA của Pháp, Deutsche Bank AG của Đức, Credit Suisse Group AG tại Zurich, ING Groep NV tại Hà Lan và Standard Chartered Plc của Anh.

Bởi vậy, có thể nói rằng “vấn đề cấp vốn đã trở thành tâm điểm ngoại giao trong lĩnh vực tài chính”.

Xe tải quân đội Iran chở 1 phần hệ thống tên lửa S-300. Ảnh: AFP.

Điều này một lần nữa lại dọn đường cho các định chế cho vay của Trung Quốc và Vịnh Persia “kiếm lợi từ hoạt động của các khoản đầu tư tại Iran của các công ty”.

Nga và Trung Quốc hiện đang ở vị thế rất chắc chắn trên thị trường Iran. Trung Quốc đã và đang cung cấp cho Iran các mặt hàng mà nước này không thể nhập từ phương Tây. The Conversation cho hay: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không để phí thời gian mà tới thăm Iran vào tháng 1,  ký kết một hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Trung-Iran, tuyên bố 17 hiệp định trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và công nghiệp”.

Iran giữ vai trò quan trọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, giúp đưa thị trường Bắc Kinh tiến gần hơn với các khu vực Trung Á và Trung Đông.

Về phần mình, Nga tập trung tái khởi động việc bán vũ khí và ngành công nghiệp hạt nhân tại Iran. Moskva được cho là “đang nắm giữ vị trí vững vàng hơn” tại miền đất tiềm năng này. Trên cơ sở những phân tích như vậy, cả 2 kênh truyền thông đều đi đến kết luận: “Đây quả là chuyện không đơn giản đối với các doanh nghiệp châu Âu”.

Phú Bình

(Theo Sputnik)

TIN LIÊN QUAN