Argentina từng giành 14 cúp vàng Copa America, nhưng lần gần nhất tận năm 1993, nghĩa là đã 28 năm, tương đương 14 kỳ Copa America, đội bóng này không hề đạt được thành tích ở châu lục. Ngôi sao nổi bật nhất của Argentina dù đạt được rất nhiều thành tích ở Barcelona nhưng gần như mỗi lần về chơi cho đội tuyển quốc gia là một sự thất vọng vì thiếu sự gắn kết và hiệu quả.
Nhưng ở Copa America 2021 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Messi đã thực sự là chính mình trong vai trò đội trưởng đội tuyển, người đeo chiếc áo số 10 truyền thống mà Maradona để lại. Messi thực sự là đầu tàu, dẫn dắt đồng đội vượt qua vòng bảng A với ngôi đầu (3 trận thắng, 1 trận hòa, giành 10 điểm, tương tự như Brazil ở bảng B), chơi trận tứ kết cực kỳ xuất sắc và trận bán kết vô cùng bản lĩnh.
Cho đến trước trận chung kết gặp đối thủ đầy duyên nợ Brazil, Messi đã “bỏ túi” 4 bàn thắng và 5 kiến tạo để đồng đội lập công. Giới chuyên môn thậm chí đã nói đến việc Messi sẽ là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA năm nay nếu anh cùng đồng đội đoạt Cup vàng Copa America 2021.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Messi lại đủ sức “gánh team” Argentina hiện tại mà trước đó thì không thể? Câu trả lời không dễ nhưng có thể thấy việc HLV trưởng Scaloni chỉ gọi 3 cầu thủ thi đấu trong nước, còn lại là 25 cầu thủ chinh chiến khắp các giải bóng đá châu Âu sẽ tạo ra một “mặt bằng” thi đấu thuận lợi cho đầu tàu Messi. Sự ăn ý về lối chơi, về kỹ năng phòng ngự kiểu châu Âu sẽ tạo ra khối kết dính để Messi yên tâm thi đấu trên hàng công, sự kết hợp lối đá ngẫu hứng với tính kỷ luật sẽ trở nên nhuần nhuyễn và hiệu quả.
Hiện nay, xem Đội tuyển Argentina thi đấu sẽ rất ít gặp những tiểu xảo vụn vặt mà trước đây như là món tủ, kể cả thời Maradona. Thay vào đó là lối chơi cống hiến nhưng không kém phần chặt chẽ, thông qua ngòi nổ Messi rực sáng sau một mùa giải có phần đáng quên ở Barcelona.
Vì vậy, mừng là Messi đã trở lại như bao người mong đợi. Nhưng lại có thể là nỗi lo khi Argentina gần đây không cho thấy sự xuất hiện của các ngôi sao mới, trong khi thực ra Messi (1987) đã bước sang tuổi “băm” mấy năm rồi?
Khá giống với Neymar ở Đội tuyển Brazil, sự tự do hoạt động là hình ảnh nổi trội của Messi ở Đội tuyển Argentina. Anh thường xuyên lùi về sân nhà nhận bóng, có khi như một tiền vệ chơi thấp nhất, để từ đó tổ chức, phát triển một hướng tấn công.
Bàn thắng của Martines trong trận bán kết gặp Colombia minh chứng cho nhận định đó. Messi nhận bóng từ sân nhà, đập bóng luân chuyển qua 1-2 đồng đội và băng xuống đón lõng ở sát cầu môn đối phương, tạo ra sự hỗn loạn cho đối thủ. Trong khi hàng thủ đối phương chưa kịp đoán định điều gì sẽ xảy ra trong tích tắc đó thì Messi với kỹ thuật giữ bóng, chuyền bóng khéo léo bẩm sinh đã chuyền một đường không thể dễ dàng hơn cho đồng đội từ tuyến hai ập xuống ghi bàn.
Nên nhớ chỉ trong 5 phút đầu trận bán kết nói trên, Messi đã có liên tục 2 pha dọn cỗ cho đồng đội nhưng bàn thắng chỉ đến có 1 lần. Cũng rất tiếc cho Messi khi ở hiệp 2, cầu thủ này tả xung hữu đột trước hàng phòng ngự Colombia và sút bóng trúng cột dọc, vuột mất cơ hội giải quyết trận đấu trong 90 phút, mà không phải chờ đến loạt đá luân lưu may rủi, dù thủ môn Martines quả là một cầu thủ cừ khôi!
Giờ thì người hâm mộ toàn thế giới nóng lòng chờ màn đối đầu hấp dẫn, nghẹt thở giữa Neymar và Messi trong trận chung kết tới đây. Messi sẽ tiếp tục "gánh team” hay Neymar tiếp tục là người giúp Brazil lần thứ 10 đoạt Cup vàng Copa thì cũng đều là chiến thắng của trường phái bóng đá cống hiến Nam Mỹ, một thứ “đặc sản” người hâm mộ luôn chờ đón.
Thật khó để nói ai tài giỏi hơn ai lúc này, trong khi chiến thắng chỉ có một và chiến thắng lại có thể đi kèm với cái duyên may, cơ may nào đó, không thể biết trước?