(Baonghean) - Chuyên trách dân số xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Đàn, Lê Thị Hồng Ái “bén duyên” với công tác dân số từ lúc mới 21 tuổi. Sau hơn 4 năm công tác “cô dân số” đã biết phát huy lợi thế sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo và năng nổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền chính sách dân số ở vùng đặc thù có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
 
images1010979_5a.jpgChuyên trách dân số Lê Thị Hồng Ái (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền chính sách dân số.
 
“Ngày bé, tôi vẫn thường nghe mẹ kể rằng ngày xưa mẹ kết hôn sớm, 17 tuổi  đã sinh anh trai đầu, gia đình nghèo khổ lại không có chút kinh nghiệm chăm sóc con cái nên vất vả trăm bề. Khi lớn lên tôi thấy bạn bè học xong lớp 9 là nghỉ học về lấy chồng, gia đình khó khăn, đông con không có điều kiện theo học tiếp. Tôi mong muốn góp phần làm thay đổi quan niệm lạc hậu, để thay đổi đời sống người dân ở vùng quê còn nghèo khó”, chị Lê Thị Hồng Ái đến với công việc chuyên trách dân số xã chính bởi mong muốn ấy. Học xong trung cấp kế toán, chị Ái về quê và bắt đầu thực hiện ước mơ trở thành “cô dân số”.
Là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn, Nghĩa Lạc có trên 97% là đồng bào các dân tộc Thổ, Thanh cùng sinh sống. Người dân bao đời nay vẫn giữ nhiều quan niệm lạc hậu như trong nhà phải có nếp, có tẻ, có con trai để nối dõi tông đường. Đó là những thách thức không nhỏ đối với cán bộ làm công tác dân số. Làm sao tuyên truyền cho người dân nghe và thấm để dần thực hiện theo. Chị còn gặp không ít tình huống dở khóc dở cười, đó là những năm đầu mới làm công tác dân số, biết chị còn ít tuổi, lại chưa lập gia đình nên mọi người vẫn thường trêu đùa. Có lần đi truyền thông dân số ở xóm 1, về Pháp lệnh Dân số, khi chị  giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại thì mọi người cười ầm lên. Một số anh, chị còn hỏi đùa “Cán bộ trẻ chưa chồng thì làm sao có kinh nghiệm thực tế mà nói hay rứa?”. Một số khác lại tỏ ra không mấy tin tưởng, thế nhưng với hiểu biết của mình “cô dân số” luôn tận tình giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến SKSS và KHHGĐ; gần gũi và hoà đồng với mọi người, dần dần tạo niềm tin trong dân. 
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con nghiêm chỉnh chấp hành chính sách dân số, chị đã đăng ký tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ dân số của huyện, tỉnh để bổ sung thêm kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, trong các hoạt động phối hợp với các ban, ngành, để lồng ghép tuyên truyền về chính sách dân số, chị luôn tiếp thu ý kiến của các chị em, học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm đúc rút được, chị ngày càng tự tin hơn để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền dân số ở vùng đặc thù miền núi này. 
 
Trong những đợt chiến dịch truyền thông dân số hàng năm, chị luôn chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết dựa trên đặc thù của địa phương, rồi tự đọc bài tuyên truyền trên loa phát thanh xã. Sức trẻ đã thực sự được phát huy như là một lợi thế để “cô dân số” hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng bởi tính cách trẻ trung, nhiệt tình và cởi mở với mọi người nên những buổi đi tuyên truyền dân số của chị cũng luôn nhẹ nhàng như những cuộc thăm hỏi các gia đình. Đặc biệt là với những gia đình sinh con một bề, những bà bầu, chị luôn quan tâm và nhiệt tình động viên, tư vấn và hướng dẫn cách thực hiện các biện pháp KHHGĐ cũng như chăm sóc SKSS, chăm sóc con cái theo khoa học (mà mình tự học hỏi được qua sách, báo, mạng). Nhờ vậy, đến nay hầu hết đồng bào dân tộc ở đây đã bỏ dần được tục kiêng khem lúc sinh đẻ (chỉ ăn thịt cá kho mặn, nằm bếp). Nhiều gia đình dân tộc đã bỏ dần nếp nghĩ phải có con trai để nối dõi. 
 
Người dân Nghĩa Lạc hôm nay ngày càng nâng cao ý thức về sinh đẻ có kế hoạch, nhiều chị đã chủ động trong việc lựa chọn các biện pháp tránh thai và CSSKSS; hơn 70% phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai. Chia sẻ về trăn trở để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dân số, chị Hồng Ái cho biết: Hiện nay ở địa phương mặc dù phụ nữ bước vào độ tuổi sinh ở mức cao, tuy nhiên đây cũng là lứa tuổi dễ tiếp cận các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến  thức về thực hiện chính sách dân số. Bởi vậy, trong thời gian tới ban dân số xã sẽ đẩy mạnh hoạt động của các Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Sức khoẻ sinh sản” và “Không sinh con thứ 3”; đa dạng hoá nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức SKSS và nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về thực hiện KHHGĐ, góp phần nâng cao đời sống đồng bào.
 
Đinh Nguyệt