Say xe gây mệt mỏi và khó chịu và là “nỗi kinh hoàng” của nhiều người khi bắt buộc phải di chuyển bằng tàu, ôtô.

TS.BS Lê Văn Tuấn - chuyên khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó trưởng bộ môn thần kinh Đại học Y dược TP.HCM, cho hay khi đi tàu, xe, vấn đề lớn nhất chúng ta gặp phải là say xe với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, chóng mặt... Đây là phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra mà cơ thể không thích nghi được.

Theo lý giải của tiến sĩ Tuấn, nguyên nhân của chứng say tàu xe là bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường, hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai, chẳng hạn đi tàu mà không có cửa sổ, tai cho biết đang di chuyển, trong khi mắt thì cho cảm giác là không di chuyển.

images1995434_meo_don_gian_giup_ban_khong_met_moi_khi_di_tau_xe_hinh_anh_1_59ae5f78bd0c2.jpgSay xe gây mệt mỏi và khó chịu. Ảnh: Stock.

Bí quyết giảm mệt mỏi

Theo tiến sĩ Lê Văn Tuấn, để chống say tàu xe, cách tốt nhất là uống thuốc chống say. Tuy nhiên, những người có tiền sử chóng mặt, nôn quá nhiều khi đi tàu xe cần hạn chế đi lại.

Khi bắt buộc phải di chuyển, bạn nên tìm chỗ ngồi thoáng mát, tốt nhất nên chọn ghế trước hoặc ở khoảng giữa, tránh các chuyển động xóc, nảy, không ngồi phía cuối, chỗ bánh xe.

Nếu bạn ngồi phía trước, hãy tập trung sự chú ý của mình vào những điểm bất động đằng xa. Trên máy bay, bạn hãy chọn chỗ ngồi gần cánh máy bay.

Khi đi xe bạn không nên nhìn ngang sang hai bên mà nhìn thẳng về phía trước, cố gắng ngủ trên xe để quên cảm giác say.

Trước khi lên xe, bạn cần ăn uống ít nhất một giờ trước thời điểm khởi hành, lưu ý tránh các thức ăn quá béo, có chất cồn và các chất kích thích như trà, cà phê. Đặc biệt, khi di chuyển, bạn không nên đọc sách, báo, viết gây chóng mặt, khó chịu.

Cách tránh say xe với gừng

Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết với nhiều người, thuốc chống say xe không có tác dụng.

Hiện nay, nhiều cách trị say tàu xe bằng các vị thuốc nam hay những mẹo nhỏ như sử dụng trà gừng, ngậm gừng, ngửi bánh mì, ăn, ngửi vỏ chanh, vỏ quýt...

Trước khi khởi hành khoảng 30 phút, bạn  nên dùng một khúc gừng tươi bằng ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng, bạn nên ngậm một lát gừng.

Gừng sống có tác dụng chống nôn ói rất tốt. Chính vì vậy, việc sử dụng gừng trong điều trị chống say xe vừa hiệu quả, vừa không gây tác dụng phụ.

Bạn cũng có thể dùng kẹo gừng thay thế. Kẹo gừng có chất ngọt sẽ giúp người đi tàu xe tăng cường tuần hoàn não bớt chóng mặt, đau đầu.

Theo Zing

TIN LIÊN QUAN