Bác sĩ Hoàng Hồng Vân, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Việt Đức cho biết, hò hét hay sử dụng giọng nói nhiều với cường độ lớn trong thời gian dài sẽ kích thích dây thanh quá mức. Tổn thương dây thanh quản dẫn đến khô rát cổ họng gây đau, khàn tiếng, thậm chí tắt tiếng. Tình trạng này là trở ngại lớn trong giao tiếp công việc, vì thế không được chủ quan.

160557-1.jpg

Các cách làm giảm chứng đau rát cổ họng:

Trà chanh muối: Dùng một ly trà nóng cho 2 thìa nước cốt chanh và 1/2 thìa muối vào khuấy đều. Nhấp từng ngụm hỗn hợp này ngậm khoảng 10 giây rồi nhổ đi. Súc miệng nhiều lần trong ngày, thậm chí mỗi giờ. Muối hút nước ra từ màng tế bào, có hiệu quả giảm sưng và viêm, đau họng tạm thời.

Mật ong và chanh tươi: Mật ong có vị chua ngọt, tính ấm, tác dụng hóa đờm hạ khí, chữa ho và các bệnh thuộc đường hô hấp. Khía kiểu múi khế ở ngoài vỏ quả chanh, cho vào chén nhỏ, dùng một vài thìa mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh. Để trong 1-2 giờ sau đó cắt và ngậm. Ngoài ra, có thể làm mật ong hấp cách thủy khoảng 10 phút để ngậm và ăn.

Chanh, gừng và muối: Pha nước gừng, sau đó thêm chanh và muối vào cốc nước vừa pha. Đây là cách kết hợp rất đơn giản nhưng lại có thể làm dịu sự ngứa rát, đau họng, đẩy lùi chứng khàn giọng mất tiếng.

Uống nước giá đỗ tươi: Giá đỗ có vị ngọt mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, kháng viêm, hạ huyết áp, lợi tiểu... nên còn được sử dụng như một vị thuốc chữa rát họng, khàn tiếng, viêm họng, táo bón, bí tiểu, phù thũng, huyết áp cao...

Cách làm: Giá đỗ tươi rửa sạch và ép lấy nước uống. Nên uống nước giá đỗ tươi vì các enzym có trong giá tác dụng tốt hơn so với nước giá đỗ đã chần qua nước sôi. Có thể thay thế uống như nước lọc.