(Baonghean) - Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tuần qua được dư luận chú ý. Gác sang một bên những bất hòa và căng thẳng thời gian qua, những lời lẽ thân tình của hai nhà lãnh đạo được xem là sự điều chỉnh lớn giữa hai nước trước những biến động của thế giới.

resize_images1679532_anh_1__1_.jpgThủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp “phá băng” tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Màu sắc ôn hòa

“Tốt đẹp, xây dựng và cởi mở” là âm hưởng cuộc trao đổi giữa Tổng thống Nga Putin với Thủ tướng Anh Theresa May tại Hàng Châu, Trung Quốc cuối tuần trước. Cuộc gặp có thể coi như dấu mốc cho sự tái khởi động quan hệ song phương. Tại đây, Tổng thống Nga Putin đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, hai bên có thể thảo luận sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm cả các vấn đề nhạy cảm.

Thông điệp này tới vào thời điểm tròn 10 năm tranh cãi nổ ra sau vụ cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko bị đầu độc tại London năm 2006. Kể từ đó, mối quan hệ này cứ xuống dốc không phanh, chịu sự chi phối của cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, Syria hay quan hệ Nga - NATO. Bên cạnh đó, nhiều lần chiến đấu cơ Anh lên chặn máy bay ném bom Nga tiếp cận không phận Anh cũng khiến cho câu chuyện giữa hai bên cứ dần đóng lại.

Nhưng “gió đã đổi chiều” rất nhanh kể từ khi bà May lên thay cựu Thủ tướng David Cameron hồi tháng 7. Không còn những lời chỉ trích lẫn nhau, thay vào đó, các nhà lãnh đạo đều tỏ ý muốn sớm nối lại sự hợp tác. Tổng thống Putin muốn tiến hành “đối thoại một cách xây dựng” với lãnh đạo mới của nước Anh. Về phía Anh, nữ Thủ tướng May cho rằng các nhà lãnh đạo Nga và Anh cần tổ chức đối thoại và tham vấn về các vấn đề “phức tạp và nghiêm trọng mà hai bên cùng quan tâm”. Một mối quan hệ “cởi mở” giữa Moskva và London cũng được gợi ý nhằm tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ song phương.

Máy bay chiến đấu Nga đối mặt với tàu chiến Mỹ tại biển Baltic, một trong những nguyên nhân đẩy căng thẳng gia tăng. Ảnh: BBC.

Liệu thời thế

Quan hệ Nga - Anh có thể sẽ tiếp tục theo lộ trình gập ghềnh như nó đã đi suốt 10 năm qua nếu không có cú sốc mang tên Brexit. Việc cử tri Anh lựa chọn việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 7 đã tạo ra sự thay đổi ở vị trí Thủ tướng Anh, và gần như xác lập lại chính sách đối ngoại mới của xứ sở sương mù. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm then chốt của vấn đề. Nước Anh đã phải thay đổi khi bối cảnh mối quan hệ giữa nước này với thế giới đang thay đổi sau Brexit. Vậy đòn bẩy cho sự nồng ấm của quan hệ Nga - Anh ở đây là gì?

Khi lựa chọn rời khỏi mái nhà chung châu Âu, nhiều cử tri Anh có thể đã nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là một quyết định chính trị. Nhưng thực tế, đây lại là một sự cố lớn về mặt kinh tế và thương mại, và chiến lược không chỉ có những trước mắt mà còn về dài hạn.

Hãng tin BBC đưa tin, tại hội nghị G20 tại Hàng Châu, Thủ tướng Anh Theresa May chịu nhiều áp lực trong việc thảo luận về mối quan hệ thương mại của Anh với Mỹ và nhiều đối tác khác, sau khi Anh rời khỏi EU. Gáo nước lạnh đầu tiên là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán thương mại với EU và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương hơn là các cuộc thảo luận với Anh.

Còn Nhật Bản cũng tỏ ý lạnh nhạt khi cảnh báo “sẽ có thay đổi lớn” hậu Brexit và nói cần phải giảm thiểu những “ảnh hưởng tiêu cực” có thể xảy ra. Điều này bao hàm cả việc các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ cân nhắc rút vốn khỏi thị trường Anh. Dù vậy, thủ tướng Anh Theresa May vẫn “nói cứng” về việc có thể thành công, dù không còn là thành viên của EU và sẽ trở thành “nước dẫn đầu về thương mại tự do trên thế giới”.

Nhưng những con số sẽ không chiều lòng bà May. Không ở trong EU khiến xuất khẩu của Anh sang EU sẽ giảm sút. Nếu không có hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Anh sang EU sẽ bị áp thuế, tương tự xuất khẩu của EU sang Anh cũng vậy. London sẽ buộc phải thanh toán các mức thuế "tối huệ quốc" theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới là từ 4,1% đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới 32% đối với rượu.

Trên thực tế, những lo ngại về cuộc trưng cầu đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh chậm lại trong quý I/2016. Theo ước tính, nền kinh tế Anh sẽ sụt giảm 3-6% trong 2 năm sau Brexit. Việc khôi phục đối thoại, về lý thuyết, có thể giúp mở ra cơ hội hợp tác mới, và khôi phục những dự án từng bị đình trệ.

Sau 40 năm đồng hành cùng “Dự án EU”, nước Anh chắc chắn lần đầu tiên có cảm giác “cô đơn” trước vị thế mới của mình với 27 quốc gia thành viên khác. Nhưng đó cũng là cơ hội để nước này có một vị thế khác, để thúc đẩy những lịch trình đối ngoại riêng của mình, mà ở đó, họ sẽ tự quyết định lợi ích quốc gia chứ không phụ thuộc vào ý chí của một tập thể với nhiều khác biệt.

Việc cử tri Anh chọn rời khỏi EU mở ra cơ hội mới cho quan hệ Nga - Anh. Ảnh: Independent.

Nước Nga “hưởng lợi”

Một EU không có nước Anh cũng đang khiến khả năng thống nhất trong khối này về một chính sách cứng rắn hơn đối với Nga bị đặt dấu hỏi. Nhiều khả năng EU sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội khối mà giảm sự quan tâm tới chính sách láng giềng đối với các nước Đông Âu trong thời gian tới. Nhiều lập luận cho rằng cơ hội để Nga phá vỡ thế kiềm tỏa của các lệnh trừng phạt đã tới. Giờ đây, họ cần tích cực tác động để tạo ra những cơ hội đối thoại mới.

Ngoài ra, thất bại của giới lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ Brexit đã cho thấy một xu hướng đang đi lên trong nội bộ của liên minh này. Các nước thành viên đang tăng cường xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại.

Về dài hạn, điều này sẽ tạo thuận lợi cho Nga đối thoại riêng rẽ với từng quốc gia trong EU, nơi mà nước này sẽ có thể áp dụng cách tiếp cận khác nhau. Đó là cách để vượt qua  sự phong tỏa về kinh tế những năm qua. Hiển nhiên, tiến trình đối thoại giữa Nga và Anh chỉ vừa mới bắt đầu và còn nhiều khó khăn, nhưng nếu thành công, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN