'Hồi bé, điểm Toán của con tôi chỉ độ 5-6, trong khi rất nhiều bạn trong lớp đạt điểm 9-10. Tôi đã bình tĩnh hướng con đi theo niềm yêu thích riêng là ngôn ngữ. Đồng thời, khuyến khích con học Toán bằng những thứ gần gũi trong cuộc sống'.

Đó là chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam về việc “kéo” con ra khỏi nỗi sợ hãi Toán ra sao.

Học sinh khổ vì học thêm

Tại Hội thảo “Giáo dục trải nghiệm- Để học Toán không là cuộc chiến” (do Trung tâm Toán PoMath và Trường tiểu học Ban Mai phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/12), chị Điệp cho biết: “Gần nhà tôi có nhiều trường phổ thông. Cứ chiều chiều, sau giờ tan lớp, tôi lại thấy các bố mẹ hối hả chở con đến trung tâm nào đó học thêm trong khi mặt mũi đầu tóc các con nhàu nhĩ, nhem nhuốc. Nhiều em ngồi sau xe bố mẹ, tay cầm bánh mì gặm vội để đến lớp học cho kịp giờ. Tôi xót không chịu được.

images1775904_phan_ho_diep_1481993444149.jpgChị Phan Hồ Điệp và con trai Đỗ Nhật Nam

Đáng ra, các con phải được trò chuyện với bố mẹ về những điều ở trường để kích thích trí tuệ của mình. Thì bù lại, các em bị tống đến các trung tâm học thêm quần quật. Bố mẹ không hề biết, việc cho con trò chuyện với người thân quan trọng hơn tống các em vào lớp học thêm”, chị Điệp cho hay.

Trở lại việc giáo dục con học Toán ra sao, chị Điệp chia sẻ, lúc đầu con mình cũng không tập trung học bài, ngồi vào bàn là xin phép đi uống vệ sinh, uống nước… Con hay vặn vẹo bởi các đề toán trong SGK là “hỏi thế làm gì”?. Nhưng với suy nghĩ giống con cá nếu cứ bắt phải trèo lên ngọn cây thì có lẽ cả đời sẽ không thể làm được, chị Điệp chấp nhận việc Toán học không phải niềm yêu thích của con. Chị để con phát triển theo đam mê ngôn ngữ, bên cạnh đó vẫn khuyến khích và tạo hứng thú cho con học Toán bằng cách gắn với những thứ xung quanh.

"Tôi dạy con học Toán bằng cách trải nghiệm với những thứ ở quanh mình, như cắt củ su hào có thể cắt thành bao nhiêu hình chữ nhật, tính diện tích các hình ấy. Hoặc việc vừa dạy con cách tiết kiệm tiền hàng tháng, tôi vừa đặt ra các câu hỏi liên quan đến việc tiết kiệm ấy”, chị Điệp nói.

Việc thường xuyên để con đọc sách và thấy được vẻ đẹp của Toán học là cách chị Điệp giúp con dần hứng thú hơn với môn học này. Khi ra các đề Toán, chị luôn kết hợp với nhiều lĩnh vực, để con vừa luyện tư duy đọc hiểu, vừa nắm được kiến thức. Kết quả, năm lớp 8 Nhật Nam đã không còn sợ hãi và trở nên thích học Toán.

Không chạy theo điểm số

Chia sẻ tại hội thảo, chị Điệp cho biết, hồi còn bé, điểm Toán của Nhật Nam chỉ độ 5-6. Trong khi đó, rất nhiều bạn trong lớp đạt điểm 9-10. Nhưng chị đã bình tĩnh hướng con đi theo niềm yêu thích riêng là ngôn ngữ. Đồng thời, khuyến khích con học Toán bằng những thứ gần gũi trong cuộc sống.

Chị Phan Hồ Điệp (phải) và PGS Chu Cẩm Thơ tại hội thảo.

Cũng giống như muôn vàn học trò khác, chị Điệp cho biết, lúc còn nhỏ, Nam cũng sợ học Toán vô cùng. Tới giờ thi Toán hoặc có kiểm tra, con toàn “mặc cả” làm sao xin phép mẹ được nghỉ học hôm đó.

Tuy nhiên, chị đã không hề ép con. Chị tạo các trò chơi để giữ chân con ở bàn học. Thậm chí, có lúc bàn học của Nam được dịch chuyển ra bếp, đơn giản bởi con rất thích các thứ liên quan đến ăn uống. Và chị đã cho con tiếp cận việc học từ các clip dạy nấu ăn bằng tiếng Anh, hoặc học Toán bằng các thứ có trong nhà bếp...

Việc học tập này, theo chị Điệp, chị không gò bó con về mặt thời gian mà cho con học vào nhiều thời gian khác nhau, sao cho con tiếp thu bài một cách thoải mái, vui vẻ nhất.

"Dường như việc dạy Toán trong nhà trường đang hướng các con trở thành thợ giải Toán. Tuy nhiên, tôi không chạy theo điểm số, áp lực thi cử ấy. Tôi không dạy Nam học trước hay cho tham gia trường chuyên lớp chọn để con được thoải mái học hành. Đặc biệt, tôi chấp nhận những điểm chưa tốt của con, luôn nhìn vào điểm tích cực để rồi đồng hành cùng con trong việc học", chị Điệp nhấn mạnh.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN