(Baonghean) - Làm mẹ đơn thân, chăm nuôi đứa con trai 2 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh với gánh nặng nợ nần trên vai. Đó là hoàn cảnh tội nghiệp của chị Trịnh Thị Nga (sinh năm 1977), ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu.
Chúng tôi tìm về xóm 4, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), ngôi nhà của chị Nga nhỏ gọn nằm giữa xóm, nền lát gạch, trần nhà đã đổ mái nhưng đang “gánh” món nợ trên 100 triệu đồng. Trong nhà, có 3 người, chị Nga, bố đẻ của chị là ông Trịnh Văn Dư (sn 1924) và con trai 2 tuổi Trịnh Lê Trí Nhân.
Chị Trần Thị Xuyên - cán bộ chính sách xã chia sẻ: Hoàn cảnh của chị Nga rất tội nghiệp, lớn tuổi rồi mới lấy chồng, chị Nga làm lẽ người đàn ông đông con, nghèo túng, do cuộc sống quá cực khổ chịu không nổi nên đành phải ly hôn. Chị chấp nhận làm mẹ đơn thân, nhưng đứa con trai nhỏ của chị cứ bệnh tật triền miên, phải thường xuyên đi bệnh viện chữa chạy, nên giờ nợ nần chồng chất...
Ngôi nhà trước đây tự xây bằng vôi, vữa trát ttường khung bương, tre và nứa, qua thời gian bị mối, mọt ăn đổ sập gần hết. Cha chị thấy con cơ cực, không có nhà ở, có vài chục triệu đồng khi vợ mất để lại, ông đành đưa cho chị sửa nhà. Còn chị Nga, khi biết mình mang thai, chị mừng lắm. Chị quyết định vay thêm tiền để làm nhà cùng với số tiền ít ỏi của cha đưa cho. Nhà vừa làm xong, nợ chưa trả hết thì con trai ra đời. Niềm vui ngắn chằng tày gang, con chưa kịp lớn chị đã phát hiện con thường xuyên khó thở, kém ăn, gầy yếu... Chị lại vay mượn tiền bạc để đưa con đi bệnh viện. Khi được bệnh viện kết luận cháu bị hở van tim 2 lá rất nặng, cần phải phẫu thuật ngay, chị như chết lặng.
Ở Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi nộp hết tiền mổ, chị không còn đồng nào để ăn và mua thuốc cho con, được các nhà hảo tâm ở chùa quyên góp, giúp đỡ chị mua được thuốc cho con hết gần 10 triệu đồng. Bác sỹ hẹn cứ hai tháng vào khám định kỳ cho con một lần, nhưng vì không có tiền nên hơn một năm sau khi phẫu thuật, chị mới đưa con đi khám được một lần (mỗi lần đi, về và tiền thuốc hết hơn 10 triệu đồng).
Mỗi lần con lên cơn đau, người tím tái, chị lại đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hoặc Bệnh viện Tây Bắc Nghệ An cấp cứu cho gần, đỡ chi phí đi lại. Mặc dù, bác sỹ chẩn đoán nếu chị thực hiện đưa con đi khám bệnh đúng định kỳ và uống thuốc đầy đủ thì sẽ khống chế được sự tái phát của bệnh.
Thu nhập của chị chỉ nhìn vào một sào ruộng khoán, năm được mùa thì đủ gạo ăn, năm mất mùa phải lo chạy gạo. Ngoài thời gian làm ruộng chỉ đi làm thuê, ai gọi thuê làm gì chị cũng làm, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Hàng tháng chỉ đủ trả lãi số nợ, còn tiền nợ gốc vẫn chưa trả được.
Ông Dư, ông ngoại của cháu chia sẻ: "Tôi có 8 đứa con, mặc dù đều làm nghề nông, cuộc sống còn nghèo nhưng không có đứa nào đáng thương như Nga". Vợ ông mất từ lâu, các con ông đều muốn bố về với mình để an nhàn, nhưng thương chị Nga, nên ông ở cùng để động viên con. Hàng ngày, ông giúp chị Nga trông cháu để chị tranh thủ đi làm ruộng và làm thuê cỏ lúa, kiếm thêm mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng để có tiền chữa bệnh cho con. Trợ cấp của ông được 270 ngàn đồng/tháng và số tiền ít ỏi các con cho tiêu vặt ông cũng dành giúp con gái. Quá thương con, thương cháu, ông Trịnh Văn Dư ao ước: Giá như có phép màu nào đó có thể giúp cho cháu của ông tai qua nạn khỏi.
Mọi sự giúp đỡ cho mẹ con chị Nga xin gửi về: Trịnh Thị Nga xóm 4 xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu); Số điện thoại: 1067.3343.776
Hoặc: Phòng Phát hành- QC – Hoạt động xã hội, Báo Nghệ An, số 3 Đại lộ Lê Nin phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, Nghệ An.
Hà Linh