(Baonghean) - Vài năm trở lại đây, khái niệm giáo dục sớm được nhiều bà mẹ Việt biết đến và nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn nuôi dạy con cái.

Có thể nói, chưa bao giờ, phong trào giáo dục sớm lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trên Internet “nở rộ” các nhóm kín, nhóm mở, các câu lạc bộ... tập hợp các ông bố, bà mẹ hướng dẫn nhau bước vào con đường giáo dục sớm cho con.

Báo chí viết nhiều về những tấm gương các bà mẹ thành công trong giáo dục những đứa con thông minh trước tuổi; rồi giới thiệu các phương pháp nuôi dạy con theo kiểu Do Thái, kiểu Nhật Bản, kiểu Trung Quốc... Ở ngoài đời thực, các hội thảo, offline, mini show... chia sẻ về phương pháp giáo dục sớm, cách nuôi dạy con thông minh liên tục được tổ chức, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà dần lan rộng đến nhiều địa phương khác trong cả nước.

Cùng với đó, các lĩnh vực “ăn theo” phong trào giáo dục sớm cũng ngày càng phát triển: in ấn thẻ nhận biết flash card, đồ chơi thông minh, đĩa CD... Hàng loạt những công ty giáo dục đã mở ra các khóa học, bán những dụng cụ, học liệu với mức giá không hề rẻ để dạy cha mẹ cách khai thác tiềm năng con trẻ. 

Hòa theo phong trào giáo dục sớm, các nhà xuất bản cũng ồ ạt tung ra hàng loạt đầu sách nuôi dạy trẻ để phục vụ thị hiếu của các ông bố, bà mẹ. Khảo sát quanh các nhà sách, không khó nhận thấy khu vực dành cho sách nuôi dạy con, sách kỹ năng sống cho trẻ được ưu tiên đặt ở vị trí bắt mắt.

images1894486_day_con_2.jpg“Loạn” thị trường sách nuôi dạy con. Ảnh: Internet

Những cuốn sách về giáo dục sớm được tìm mua nhiều nhất có thể kể đến bộ 5 cuốn của 2 tác giả Glenn Doman, Janet Doman gồm “Dạy trẻ thông minh sớm”, “Dạy trẻ biết đọc sớm”, “Dạy trẻ học Toán”, “Tăng cường trí thông minh của trẻ”, “Dạy trẻ về thế giới xung quanh”; bộ 3 cuốn “Dạy con kiểu Nhật” giai đoạn 0 tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi… Sách nuôi dạy con thường có chất lượng in ấn tốt, hình thức đẹp, giá cả cũng không hề rẻ so với nhiều đầu sách giáo dục khác. 

Tuy nhiên, hình thức bắt mắt không thể quyết định được nội dung. Có một thực tế là ngoài NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ… là những nơi được đánh giá là nghiêm túc trong làm sách cho mẹ và bé thì không ít nơi cũng đua nhau phát hành sách nuôi dạy con. Trong đó, không ít sách là những sao chép theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, để tránh việc vi phạm bản quyền.

Không ít phụ huynh “hoa mắt” trước hàng trăm đầu sách, mà tựa sách cũng na ná nhau, với những hứa hẹn về cách dạy con tốt nhất, thông minh nhất…

Để có sách ra thị trường, không ít nơi chấp nhận luôn cả những tác giả không có chuyên môn về tâm lý, y khoa, giáo dục… viết, thậm chí là sao chép các bài báo, tạp chí về những lĩnh vực mang tính chuyên môn ấy. Nhuận bút được trả cho dạng sách góp nhặt này có khi còn cao ngang ngửa so với sách tác giả tự viết. Đơn giản vì các nhà xuất bản không phải chi trả tiền bản quyền thường khá đắt đỏ cho những đầu sách nuôi dạy con bán chạy ở nước ngoài.

Ngoài những nhà sách, công ty sách chạy đua theo trào lưu sách nuôi dạy con, không ít tác giả, diễn giả tự ra sách về chính nội dung diễn giải của mình, bán rất chạy trong những buổi hội thảo các công ty hoặc chính bản thân họ tổ chức. Điều đáng nói nhất là những thông tin in trong sách không hề có chuyên gia hiệu đính.

Cá biệt, có diễn giả tự nhận là thạc sỹ ngành kinh tế tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng vì yêu trẻ con, “nóng ruột” với nền giáo dục mầm non mà tự học về các phương pháp dạy con để viết sách. Sách của diễn giả này có số lượng lên tới hàng chục vạn bản, chia sẻ những phương pháp dạy con nghe qua rất kêu nhưng thực chất hoàn toàn mang tính cóp nhặt. Bản thân diễn giả tự xưng lại là một phụ nữ U40, chưa chồng con!

Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền bức xúc chia sẻ, chưa bao giờ thấy Việt Nam có nhiều chuyên gia, diễn giả về tâm lý như hiện nay. Bằng cấp ở đâu không thấy, không biết, không ai kiểm chứng. Điều nguy hiểm nhất là có những người phát biểu, ra sách, bán sách tràn lan với danh xưng “chuyên gia”, “diễn giả” sẽ hết sức nguy hiểm khi gây hiểu nhầm cho nhiều phụ huynh có con nhỏ.

Cần tỉnh táo để hiểu rằng, để xử trí những vấn đề đau đầu trên hành trình dạy con trưởng thành thì mỗi ông bố, bà mẹ đều nên học hỏi, nhưng giáo dục không phải là sự sao chép, rập khuôn mà phải linh động. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, đặc biệt, mỗi môi trường sống, điều kiện sống có sự khác nhau nên không thể “sao y bản chính” phương pháp nuôi dạy từ các nước tiên tiến vào thực tiễn ở Việt Nam. Theo Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền, cần có sự chọn lọc, hiểu biết về mỗi phương pháp giáo dục con.

Ví dụ như các ông bố, bà mẹ Việt có thể học tập “cách yêu” con của mẹ Nhật Bản là tuyệt đối không nuông chiều, dạy con kỹ năng hơn cho con nhiều thứ khác; học mẹ Do Thái biết cách dạy con giữ chữ tín, biết sẻ chia và quản lý tiền bạc; học các bà mẹ Mỹ tự tin giáo dục con trở thành đứa trẻ lạc quan, dũng cảm và tự chủ trong cuộc sống bằng những quan niệm rất riêng; học các bà mẹ Đức trong việc dạy con giữ vững kỷ luật, kiên cường, tự lập và tiết kiệm.

Trong “mê cung” thị trường sách nuôi dạy con, quan trọng nhất với các phụ huynh vẫn là không chạy theo trào lưu, hãy chọn sách của nhà xuất bản có uy tín, tác giả có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Đừng để mất thời gian vào những cuốn sách vô bổ!

Nguyên Thảo - Phước Anh

TIN LIÊN QUAN