(Baonghean) - Sau kỳ nghỉ lễ dài, mình hỏi thăm bé Bim: 

- Bim thấy nghỉ lễ nhiều ngày, được đi chơi xa có thích không?

- Đi chơi thì thích nhưng Bim không thích đi chơi xa nữa đâu cậu ạ, vì phải đi máy bay…

Cứ nghĩ con bé sợ lúc máy bay cất và hạ cánh, thay đổi áp suất đột ngột nên bị đau tai, ai ngờ lý do của nó nghe vừa buồn cười, nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm:

“Hôm vừa rồi cả nhà đáp chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, trời ơi người mới đông làm sao cậu ạ! Ai nấy tay xách nách mang bao nhiều đồ, chen cứng cả hành lang đi lại trên máy bay làm Bim và bố mẹ đứng ngay sát ghế của mình rồi mà phải chờ mãi mới nhích được vào ngồi. Ngồi vào chỗ là Bim thắt ngay dây an toàn, dặn bố mẹ tắt điện thoại như lời cô tiếp viên hàng không hướng dẫn. Ấy thế mà xung quanh mọi người thi nhau gọi điện, nhắn tin. Có một bác ngồi trước mặt Bim gọi điện cho người nhà, cứ liên miệng “Bố dập máy đây, máy bay sắp bay rồi” đến khoảng chục lần mà vẫn không chịu tắt máy.

Khi cô tiếp viên lại nhắc nhở thì bác ấy còn bảo “Tôi đang nói chuyện, một phút nữa nhé” rồi thản nhiên quay trở lại với cái máy điện thoại. Cái ông ngồi cạnh bố mới kỳ lạ chứ. Người ta thông báo trên loa rành rành là dựng thẳng lưng ghế, thắt dây an toàn, mà ông ấy cứ ngồi thưỡn bụng ra, chân gác hẳn lên ghế của người ngồi trước, nhìn rất mất lịch sự. Cả chuyến bay ông ấy toả ra mùi rượu nồng nặc, lâu lâu lại cáu bẳn với các hành khách xung quanh, hoặc đấm thình thịch lên ghế, hoặc ôm đầu vật vã nói lầm bầm cái gì không nghe rõ. Bay có hơn một tiếng mà Bim đau hết cả đầu, vì mọi người nói chuyện rất ồn nữa. Có một gia đình đông người ngồi tận hàng ghế đầu mà cười đùa ầm ỹ, vọng ra cả phía đuôi máy bay. Các cô tiếp viên liên tục nhắc nhở mà không ăn thua, cứ như thể họ đang ở nhà họ chứ không phải là ở trên máy bay cậu ạ!”

Mình nghe Bim kể chuyện về “chuyến bay bão táp” kéo dài chỉ vẻn vẹn… chưa đến 2 tiếng đồng hồ mà cũng thấy toát cả mồ hôi hột. Lâu nay vẫn thường thấy có ý kiến phê phán, chỉ trích chất lượng dịch vụ hàng không, báo chí đưa tin những cú “phốt” của nhân viên ngành hàng không và được dư luận “nhiệt liệt” hưởng ứng, hùa vào “ném đá”. Nhưng có một sự thật là bản thân hành khách sử dụng dịch vụ hàng không còn có rất nhiều hạn chế, thiếu sót, góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ hàng không trong nước.

Một thực tế dễ nhận thấy (nhưng không phải ai cũng muốn thừa nhận) là có rất nhiều hành khách vô tình hoặc cố ý không tuân thủ các quy định của ngành Hàng không. Thường gặp nhất là việc đưa theo hành lý quá khổ lên máy bay, hành lý chứa các vật dụng bị cấm hoặc có thể gây phiền toái cho các hành khách khác. Các hành vi, ứng xử trên máy bay chưa văn minh cũng là một hiện tượng cần phải phê phán, bởi đó là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, thiếu tư cách và thiếu văn hoá ở nơi công cộng. Mà bối cảnh ở đây lại càng đặc thù hơn, bởi có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

Thiết nghĩ, ngành Hàng không nên thắt chặt hơn nữa khâu kiểm soát đối với các hành khách lên máy bay, tránh tình trạng để cho hành khách có biểu hiện sử dụng chất có cồn, chất kích thích đáp chuyến bay, vừa gây ảnh hưởng đến các hành khách khác, vừa đe dọa đến sức khỏe của bản thân hành khách đó trong trường hợp xảy ra sự cố khi máy bay đang bay dở hành trình. Tóm lại tất cả những điều cụ thể trên đây đều tụ về một mối, đó là văn hoá công cộng, văn hoá cộng đồng của người mình. Chỉ khi nào chúng ta biết tôn trọng quy định chung khi bước chân vào một môi trường, bối cảnh cụ thể thì mới có thể thực sự bước ra khỏi cái miệng giếng của sự thô sơ, tụt hậu để vươn ra những khoảng trời xa.

Hải Triều