Sputnik đưa tin, hãng hàng không Dassault Aviation của Pháp và tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Airbus đã công bố thỏa thuận về hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai (FCAS) nhằm thay thế các máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter và F-18 Hornet hiện trong biên chế không quân châu Âu.
Tên của FCAS xuất phát từ thỏa thuận năm 2012 giữa Pháp và Anh về sản xuất một máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, quyết định rút khỏi EU của Anh đã khiến triển vọng hợp tác quốc phòng của Anh với châu Âu gặp khó khăn.
Tuần trước, London đã trao cho nhà thầu quốc phòng BAE Systems một hợp đồng kéo dài một năm để nghiên cứu dự án FCAS. Theo các báo cáo sơ bộ, năm 2040 được đặt làm mốc mục tiêu cho việc đưa máy bay vào hoạt động.
Tờ Handelsblatt cho biết, hiện tại dù chưa có hình mẫu cụ thể nhưng thế hệ chiến đấu cơ mới này nhiều khả năng có cả phiên bản có người lái và không người lái và chúng sẽ thuộc chiến đấu cơ tiệm cận thế hệ 6. Đây sẽ là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Airbus liên thủ với hãng Dassaults của Pháp.
Căn cứ vào ý tưởng phát triển, chiến đấu cơ mới của Airbus giống với Eurofighter Typhoon được trang bị 2 động cơ và tối ưu hóa khả năng chiến đấu không đối không. Về trang bị vũ khí, trước mắt, máy bay này vẫn sẽ được trang bị tên lửa đối không tầm xa Meteor.
Sau khi đưa vào vận hành, các nhà sản xuất sẽ phát triển loại tên lửa tối tân hơn để trang bị cho chiến đấu cơ mới. Tương tự như Eurofighter Typhoon, loại máy bay mới sẽ có khả năng tấn công không đối đất tốt và có là một số máy bay không người lái nhỏ bay kèm (với phiên bản có người lái).
Mặc dù trong giai đoạn đầu tiêm kích thế hệ mới vẫn phải dùng tên lửa Meteor - hiện có trong trang bị của tiêm kích thế hệ 4+ nhưng chúng vẫn không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của chiến đấu cơ này nởi Meteor hiện là một trong những dòng tên lửa không đối không hiện đại nhất của MBDA hiện nay.
Nó được MBDA phát triển để có thể tương thích với mọi loại máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO. Meteor được thiết kế để có thể tiêu diệt mọi mối đe dọa trên không trong thế kỷ 21, với tầm bắn siêu xa lên tới 300km và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết cho tới các biện pháp áp chế điện tử của đối phương.
Tuy nhiên, với việc ngày cụ thể chưa được xác định, và bản thân dự án cũng có nhiều điểm không chắc chắn, thì các nước thành viên khá lo ngại về số phận của dự án này.
Bên cạnh đó, nhà phân tích quốc phòng đồng thời là nhà báo Dmitri Drozdenko cho biết: "Đối với châu Âu, việc tự phát triển các trang thiết bị đồng nghĩa với sự tái sinh các ngành công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực xây dựng máy bay, cũng như lợi nhuận sang được chuyển sang cho châu Âu. Đây hoàn toàn là vấn đề tài chính".
Bên cạnh các quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Mỹ cũng đã công bố việc theo đuổi nghiên cứu nền tảng công nghệ thế hệ thứ sáu. Nga cũng đã công bố kế hoạch phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2017, tập đoàn Northrop Grumman đã công bố ý tưởng thiết kế mới cho mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Không quân và Hải quân Mỹ.
Lầu Năm Góc hy vọng có thể chế tạo các máy bay chiến đấu thế hệ mới để thay thế các tiêm kích thế hệ 4 như F-16, chiến đấu cơ F-15C Eagle và tiêm kích hạm Boeing F/A-18E/F Super Hornet.
Song song với đó, Hải quân và Không quân Mỹ vẫn đang xác định những lỗ hổng năng lực mà mẫu chiến đấu cơ F/A-XX và mẫu máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ mới (NGAD) cần phải giải quyết. F/A-XX và NGAD dù là 2 chương trình tách biệt nhưng cùng chia sẻ những công nghệ chung.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: "Những năm tới, khác biệt trong nhiệm vụ cơ bản và các mối đe dọa tiềm năng sẽ định hướng sự khác biệt giữa 2 chương trình F/A-XX và F-X, cũng như các hệ thống cũ F-22 và F-35".
Nghiên cứu theo hướng này, các ý tưởng của Northrop về F/A-XX và NGAD đã có sự khác biệt rõ nét dù chia sẻ công nghệ và nhiều tính năng chung. Northrop Grumman cho biết thêm, các vũ khí năng lượng định hướng, việc quản lý nhiệt cho những vũ khí này và các cảm biến tiên tiến sẽ là những thách thức cơ bản với việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Ivan Konovalov chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Nga có cabin thông minh có thể tự đưa ra quyết định trong quá trình chiến đấu. Hay nói cách khác, thế hệ chiến đấu cơ mới dự kiến sẽ được phát triển theo phương án không người lái.
Nói về việc hiện thực hóa dự án này thì hiện giờ khá là phức tạp, bởi con người vẫn là cơ sở trong ngành hàng không hiện đại.
Sau khi chế tạo được máy bay cho không quân tiền phương thế hệ thứ 5, hiện Nga đang tính toán khả năng hiện thực hóa một dự án mới. Điều này đã được các đại diện của Tập đoàn Chế tạo máy bay liên hợp của Nga đề cập.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, máy bay thế hệ thứ 6 trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể được coi là một dạng máy bay không người lái. Dự kiến, việc điều khiển máy bay này sẽ do con người thực hiện, nhưng từ các căn cứ quân sự. Hơn nữa, người vận hành còn có thể điều khiển được máy bay ở cách xa vị trí bay chiến đấu hàng nghìn km.