"Tôi đã được một quan chức cấp cao thông báo rằng trước Thế vận hội tại Seoul, chúng tôi sẽ tấn công một chiếc máy bay chở khách Hàn Quốc", Kim Hyon-hui, một trong hai điệp viên Triều Tiên thực hiện vụ tấn công, nói, theo BBC. "Ông ấy nói rằng việc đó sẽ tạo ra sự hỗn loạn và lo lắng ở Hàn Quốc".
Kim và đồng lõa lên máy bay ở Baghdad và đặt bom. Khi máy bay dừng ở Abu Dhabi, hai điệp viên Triều Tiên xuống phi cơ và chạy trốn. Vài giờ sau đó, quả bom phát nổ khi phi cơ đang bay trên biển Andaman, khiến toàn bộ 115 người thiệt mạng, trong đó có 113 người Hàn và hai người nước ngoài.
Sau vụ tấn công, hai đặc vụ Triều Tiên cố bay từ Abu Dhabi tới Amman, Jordan nhưng do có vấn đề về thị thực nên buộc phải bay đến Bahrain, nơi họ dự định đến Rome. Tuy nhiên, hộ chiếu của hai điệp viên bị phát hiện là giả tại sân bay ở Bahrain. Nhận thấy họ sắp bị bắt, cả hai đều cố gắng tự sát bằng cách nuốt chất độc xyanua giấu trong thuốc lá. Nam điệp viên Kim Sung-il chết nhưng nữ điệp viên Kim Hyon-hui sống sót.
Kim Hyon-hui được đưa về Hàn Quốc để thẩm vấn. Ban đầu cô khai rằng mình là trẻ mồ côi Trung Quốc lớn lên ở Nhật Bản và nói rằng không liên quan đến vụ tấn công. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc đã chỉ ra bằng chứng chống lại Kim là thuốc lá mà cô mang là loại được dùng bởi các điệp viên Triều Tiên bị bắt giữ ở Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại diện Hàn Quốc Choi Young Jin nói rằng sau 8 ngày thẩm vấn, Kim Hyon-hui được xem một bộ phim về cuộc sống ở Hàn Quốc và nhận ra rằng đường phố Seoul hoàn toàn khác với điều cô đã được dạy".
Kim Hyon-hui sau đó thừa nhận thực hiện vụ đánh bom. "Khi thú nhận, tôi đã rất miễn cưỡng.Tôi nghĩ gia đình mình ở Triều Tiên sẽ gặp nguy hiểm. Đó là một quyết định lớn nhưng tôi nhận ra đó là điều đúng đắn cho các nạn nhân, để họ có thể hiểu được sự thật".
Nữ điệp viên khai với các nhà điều tra rằng khi 16 tuổi, cô được đảng Lao động Triều Tiên lựa chọn và được đào tạo ngoại ngữ. Ba năm sau, cô được huấn luyện tại một trường đào tạo điệp viên bí mật của quân đội với chương trình rèn luyện thể chất và tinh thần khắt khe. Nữ điệp viên đã chuẩn bị cho cuộc tấn công trong ba năm.
Năm 1989, Kim Hyon-hui bị kết án tử hình nhưng Tổng thống Hàn Roe Tae-Woo đã ân xá cho cô. Cô sau đó kết hôn với một sĩ quan tình báo Hàn Quốc và có hai con. Kim không biết tin tức về gia đình mình ở Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Mỹ gọi vụ đánh bom này là "hành động khủng bố" và đặt Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố cho đến năm 2008. Triều Tiên bị đưa trở lại danh sách này vào năm 2017.
Vụ việc được thảo luận trong ít nhất hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng không có nghị quyết nào được thông qua. Triều Tiên bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ tấn công, nói rằng đây là hành vi bịa đặt của Hàn Quốc và các nước khác.
Hàn Quốc năm nay là nước chủ nhà của Thế vận hội mùa đông ở Pyeong Chang. Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gợi ý khả năng giảm căng thẳng giữa hai bên và cử vận động viên Triều Tiên đến Hàn Quốc. Hai bên sẽ tổ chức đối thoại chính thức vào ngày 9/1.
Tổng thống Hàn Moon Jae-in nhận xét sự tham gia của Triều Tiên sẽ đảm bảo an toàn cho Thế vận hội ở Pyeongchang. "Phát biểu của ông Kim là lời đáp lại trước đề xuất của chúng tôi về việc biến Thế vận hội Olympic Pyeongchang thành một cơ hội lịch sử để cải thiện quan hệ liên Triều và thiết lập hòa bình", ông Moon nói.