Năm 1955, hải quân Mỹ đưa vào biên chế tên lửa hành trình SSM-N-8 "Regulus", đánh dấu lần đầu tiên lực lượng này sở hữu khả năng răn đe hạt nhân, cũng như tạo nền móng để phát triển tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk sau này, theo WATM.
Ban đầu, hải quân Mỹ muốn cải thiện tính năng tên lửa hành trình V-1 thu được của phát xít Đức thông qua dự án JB-2 Loon, nhưng không đem lại kết quả rõ rệt. Tới tháng 5/1947, không quân lục quân Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa hành trình MGM-1 Matador sử dụng động cơ phản lực. Hải quân Mỹ quyết định chạy đua bằng dự án Regulus, nhằm chế tạo dòng tên lửa hoàn toàn mới có khả năng phóng từ tàu ngầm.
Tới tháng 8/1947, thông số của tên lửa Regulus được thống nhất, gồm đầu đạn nặng 1.400 kg, tầm bắn 930 km, tốc độ hành trình 1.050 km/h và phải đánh trúng bán kính 4,5 km quanh mục tiêu ở cự ly tối đa. Quá trình thử nghiệm diễn ra từ năm 1947 đến 1953 trên tàu ngầm USS Cusk và USS Carbonero. Tuy nhiên, những nguyên mẫu Regulus đầu tiên không có vỏ bảo vệ, khiến tàu ngầm không thể lặn trước khi phóng tên lửa.
Phiên bản Regulus hoàn chỉnh mang định danh SSM-N-8, có chiều dài 9,1 m, sải cánh 3 m, đường kính 1,2 và nặng 4,5-5,4 tấn. Mỗi quả đạn mang được một đầu đạn hạt nhân Mk 5 có sức mạnh 40 kiloton, tương đương 40.000 tấn thuốc nổ TNT hoặc một đầu đạn W27 mạnh tương đương hai triệu tấn TNT.
Tên lửa Regulus có vẻ ngoài giống tiêm kích F-80 nhưng không có khoang lái, phiên bản thử nghiệm còn được lắp càng đáp để thu hồi và tái sử dụng sau mỗi vụ phóng. Sau khi phóng, quả đạn được dẫn tới mục tiêu nhờ hai trạm điều khiển, thường là tàu ngầm hoặc tàu nổi trang bị hệ thống dẫn bắn, hoặc điều khiển từ xa bởi một máy bay tuần thám.
Học thuyết tác chiến hải quân Mỹ đòi hỏi luôn có 4 tên lửa Regulus sẵn sàng chiến đấu trên biển. Ban đầu, lực lượng này phải triển khai cùng lúc hai tàu ngầm USS Barbero và USS Tunny, do mỗi tàu chỉ mang được hai quả đạn. Những tàu thế hệ sau như USS Growler, USS Grayback và USS Halibut có thể mang 4-5 tên lửa, cho phép chúng tuần tra độc lập.
5 tàu ngầm mang tên lửa Regulus đóng quân tại Trân Châu Cảng, thực hiện tổng cộng 40 chuyến tuần tra răn đe hạt nhân ở khu vực Bắc Thái Bình Dương từ tháng 10/1959 đến tháng 7/1964. Nhiệm vụ của chúng là hủy diệt căn cứ hải quân Petropavlovsk-Kamchatsky của Liên Xô nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân. Đây là những chuyến tuần tra răn đe đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ, vượt trước những tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo Polaris.
Phiên bản nâng cấp SSM-N-9 Regulus II được phát triển vào năm 1958, có tầm bắn 2.200 km và tốc độ 2.500 km/h, trang bị hệ thống dẫn đường mới với độ chính xác cao hơn. Tổng cộng 48 vụ phóng thử được tiến hành, trong đó 30 vụ thử thành công, 14 vụ thành công một phần và 4 vụ thất bại. Tuy nhiên, mức giá cao tới một triệu USD/quả cộng với áp lực ngân sách và sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo UGM-27 Polaris khiến dự án Regulus II bị hủy bỏ.
Quá trình sản xuất tên lửa Regulus chấm dứt vào tháng 1/1959 sau khi quả đạn thứ 514 được xuất xưởng. Cùng thời điểm này, các tàu ngầm mang tên lửa Regulus cũng bị thay thế bởi lớp George Washington mang tên lửa đạn đạo Polaris. Dòng Regulus bị loại biên hoàn toàn vào tháng 8/1964, một số quả đạn được giữ lại làm mục tiêu bay cho không quân Mỹ tại căn cứ Eglin.
Dù chỉ được biên chế trong 9 năm, Regulus đã mang lại nhiều kinh nghiệm cho Mỹ trong hoạt động răn đe hạt nhân trên biển, cũng như xây dựng nền tảng cho dòng tên lửa hành trình Tomahawk sau này.