(Baonghean) - Nghị quyết số 11-NQ-TW về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý được Bộ Chính trị ban hành từ năm 2002, đến năm 2012 Bộ Chính trị tiếp tục có Kết luận số 24-KL/TƯ về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có sự đổi mới mang tính đột phá.

Từ Trung ương đến địa phương, công tác luân chuyển cán bộ đã trở thành nền nếp thường xuyên, tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn. Thông qua luân chuyển cán bộ, các ngành, các địa phương từng bước điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, những nơi khó khăn. Nhờ luân chuyển cán bộ đã khắc phục được khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, đơn vị; xóa bỏ tư tưởng thỏa mãn, trì trệ của những cán bộ thiếu ý thức phấn đấu vươn lên.

Tuy nhiên, trong luân chuyển cán bộ vẫn có những “mặt trái” cần khắc phục như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị, không muốn nhận người từ nơi khác đến; ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được điều động tới, hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực nhưng không hợp với mình đi nơi khác”. Thực tế là chỉ trong thời kỳ đầu, khi mới thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, những “mặt trái” trên đây mới xuất hiện nhiều.

Tư tưởng cục bộ, khép kín thường biểu hiện dưới dạng cho rằng cấp trên đưa người về sẽ làm mất cơ hội phát triển của những cán bộ “tại chỗ” có triển vọng. Hiện tượng cô lập, gây khó khăn cho người được luân chuyển không lộ liễu xẩy ra, nhưng vẫn có biểu hiện thiếu tinh thần cộng sự hết mình, không tạo điều kiện cho người mới đến tiếp cận nhanh với công việc. Thậm chí có trường hợp, giữa người nơi khác đến với cán bộ địa phương rất khó hòa đồng. Đối với những cơ quan, đơn vị nội bộ mất đoàn kết thì hiện tượng lợi dụng luân chuyển cán bộ để đẩy người không phù hợp với mình đi nơi khác là điều khó tránh khỏi. Do lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân chi phối nên việc luân chuyển cán bộ có những trường hợp không khách quan: người có quan hệ thân quen được luân chuyển đến những nơi thuận lợi, người không thân quen thì bị luân chuyển đến những nơi khó khăn. Có trường hợp luân chuyển người này để có vị trí cho người khác chứ không phải vì sự phát triển lâu dài của người được luân chuyển. Có cán bộ sau khi luân chuyển phải đảm nhận cương vị công tác trái với ngành nghề, sở trường của mình.

Đối với cán bộ được luân chuyển, hầu hết đều xác định tư tưởng tốt, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ địa bàn nào, rèn luyện phấn đấu để trưởng thành qua thực tiễn. Nhưng cũng có những cán bộ được luân chuyển đã tìm cách chọn địa bàn thuận lợi, đến nơi mới không yên tâm công tác lâu dài để rèn luyện mà coi việc luân chuyển chỉ là cơ hội thăng tiến. Sau khi luân chuyển, một số cán bộ có biểu hiện thiếu ý chí phấn đấu, không gắn bó với phong trào địa phương, không dám chịu trách nhiệm trước khó khăn, tâm lý chờ hết thời gian luân chuyển để được đề bạt hoặc trở về.

Thực tế cho thấy, việc luân chuyển cán bộ phải nhằm mục đích đưa cán bộ về cơ sở để gần dân, sâu sát thực tiễn thì mới đạt hiệu quả tích cực. Còn luân chuyển cán bộ để cho đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy hoặc đề bạt thì sẽ không có tác dụng giáo dục, rèn luyện cán bộ; khi đó “mặt trái” trong luân chuyển cán bộ càng dễ bộc lộ. Để công tác luân chuyển cán bộ đạt kết quả tốt, các cấp ủy đảng phải thật khách quan, dân chủ, tuyệt đối không lợi dụng luân chuyển cán bộ để thực hiện lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. 

Đại hội Đảng các cấp đang đến gần, sẽ có nhiều cán bộ được luân chuyển để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo. Các cấp ủy đảng phải thực hiện đúng Nghị quyết 11 và Kết luận 24 của Bộ Chính trị để công tác luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao nhất, khắc phục triệt để những “mặt trái” không đáng có.

Trần Hồng Cơ