(Baonghean) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ và trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều hệ lụy... 
 
Theo thống kê, Nghệ An là 1 trong những tỉnh, thành có tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm cao cả nước. Tính đến hết tháng 6/2015, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 248,8 tỷ đồng. Trong số này, số nợ BHXH là 167,492 tỉ, nợ BHTN là 6,032 tỷ, nợ BHYT là 75,276 tỷ (trong đó ngân sách Nhà nước nợ 59,732 tỷ). Có 1.388 cơ quan, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Ngành Xây dựng là nơi tập trung nhiều nhất DN nợ BHXH, tiếp đó là các ngành giao thông – vận tải, khai thác khoáng sản, thủy sản... Các doanh nghiệp có số nợ lớn là: Công ty CP Đầu tư xây dựng 24 với số tiền hơn 12,167 tỷ đồng; Công ty CP xây lắp dầu khí 10,080 tỷ đồng, Công ty CP - Tổng công ty GTVT & TM Nghệ An  8,7 tỷ đồng; Công ty CP xi măng Sông Lam 2 hơn 5,7 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng cầu đường 482 hơn 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Vinaconex 16 hơn  4,5 tỷ đồng…
 
Việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH khiến người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 1.388 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên cũng đồng nghĩa với hơn 16.700 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp này không được thanh toán chế độ khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số NLĐ đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH. 
 
images1188402_t_i_xu_ng.jpgCán bộ Phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) tư vấn về chế độ BHXH tại Công ty TNHH Matrix Vinh.
 
Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho việc chậm, nợ BHXH, BHYT là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán tiền... Tuy vậy, trừ các doanh nghiệp thực sự khó khăn, làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả lương cho lao động thì có rất nhiều doanh nghiệp, dù hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên cố tình nợ BHXH, BHYT. Điều này phản ánh một thực tế là ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp rất hạn chế, hầu hết chủ doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng người lao động là “tài sản” của doanh nghiệp mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh. 
 
Từ đầu năm 2015 đến nay, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã mời làm việc 191 đơn vị, lâp biên bản vi phạm hành chính 109 đơn vị và ra quyết định xử phạt 65 đơn vị với tổng số tiền 804,227 triệu đồng, ra quyết định cưỡng chế tài khoản 6 đơn vị. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ sẽ tiến hành khởi kiện. Năm 2014, cơ quan BHXH đã tiến hành khởi kiện 33 đơn vị và từ đầu năm 2015 đến nay đã khởi kiện 15 đơn vị. Một số “điểm nóng” về nợ đọng BHXH đã được giải quyết một phần như việc 113 công nhân Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An, 139 công nhân Công ty CP Thủy lợi 4, 105 công nhân Công ty CP xây dựng và nạo vét đường biển 2 được chốt sổ BHXH...
 
Tuy vậy, trên bình diện chung, tình trạng nợ đọng BHXH vẫn không giảm. Nguyên nhân là mức xử phạt hành chính còn thấp (cao nhất chỉ 75 triệu đồng) nên không có tác dụng răn đe. Ngay cả biện pháp mạnh tay nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa (khả năng thắng kiện 100%) cũng không phát huy hiệu quả do khả năng thu hồi nợ cũng rất thấp, thủ tục, hồ sơ khởi kiện phức tạp, quá trình thụ lý và xét xử chậm. Và dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội khó có thể xác định được số tài khoản cũng như tài sản của doanh nghiệp, không thể phong tỏa được số tài khoản ngân hàng, cũng như tài sản do động chạm đến lợi ích của các ngân hàng.
 
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trong thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động, nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính, nhưng tiếp tục vi phạm. Ngoài ra cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ văn bản quy định về quản lý và xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, nhằm giải quyết quyền lợi cho người lao động, giải quyết các khoản nợ của các đơn vị thuộc diện mất tích, giải thể, hoặc DN không còn tài sản để thu hồi… Mặt khác, theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, việc thanh tra, xử phạt liên quan đến Luật BHXH, BHYT sẽ do cơ quan BHXH đảm nhận và điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý các đơn vị vi phạm. 
 
Ông Giang cho biết, cùng với việc thay đổi cách tiếp cận của nhân viên bảo hiểm đối với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ triển khai Đề án “Phối hợp UBND xã, phường, ban cán sự khối xóm thực hiện thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn dân cư”, theo đó cơ quan BHXH sẽ phối hợp với chính quyền cơ cở công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT lên bảng tin, loa truyền thanh ở UBND phường, xã, nhà văn hóa các khối xóm; huy động sự vào cuộc của cán bộ cơ sở trong việc đôn đốc thu nợ… Hy vọng rằng, những biện pháp này sẽ sớm phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu được tình trạng nợ đọng BHXH triền miên như hiện nay.
 
Minh Quân