(Baonghean) - Chắc chắn, tin đồn được tung ra đều phải có lý do. Không loại trừ chuyện phá hoại kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh hoặc đưa tin thất thiệt nhằm thu mua giá rẻ. 

Nhớ lại cách đây 10 năm, 16/7/2006, BBC New và báo Daily Mail của nước Anh công bố bản tin "Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú". Thông tin này dựa trên kết quả khảo sát 50.000 phụ nữ của hai trường đại học Hawaii và Nam California của Mỹ: Những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên đến 30%.

Mặc dù bưởi của hai trường đại học trên nghiên cứu là bưởi chùm được trồng ở một số nước châu Mỹ không liên quan gì bưởi ở Việt Nam, nhưng vài tờ báo trong nước đã dịch lại, vội vàng đăng tin không nói rõ nguồn gốc bưởi khiến nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Một con số vô cùng to lớn.

Những tin đồn thất thiệt khiến nông sản ế ẩm
Những tin đồn thất thiệt khiến nông sản ế ẩm. Ảnh: Internet

Những năm tiếp theo, liên tiếp nhà nông bị tin đồn khiến sản phẩm mình làm ra ế ẩm, lỗ nặng. Chẳng hạn như ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị đồn ăn chuối lùn có thuốc, sẽ bị ung thư khiến nhà nông đem chuối cho bò ăn... Gần đây nhất là tin đồn màng hột xoài mút làm bằng nhựa. Nhãn ở Hưng Yên được chiếu lưu huỳnh cho trái sáng bóng. Hay nuôi cá rô phi bằng thuốc trừ sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Chắc chắn, một khi tin đồn được tung ra đều phải có lý do. Không loại trừ chuyện phá hoại kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh hoặc đưa tin thất thiệt nhằm thu mua giá rẻ. Vì vậy, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời đánh bay tin đồn để giúp người dân ổn định giá cả nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu rõ nguồn cơn, xử lý mạnh tay đối với những kẻ đem chuyện chén cơm, manh áo của nhà nông ra làm trò đùa, phá hoại. Hiện nay, một số địa phương chưa ứng phó kịp thời với những tin đồn nên không ít nhà nông phải “khóc ròng”.

Như mọi người biết, thời đại công nghệ phát triển, chỉ cần một tin đồn đưa lên mạng, tíc tắc vài giây thôi là cả thế giới đều biết. Vì vậy phải chặn ngay từ gốc rễ. Đồng thời tuyên truyền cho người dân địa phương biết, phân biệt đúng sai, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, tung tin thất thiệt khiến cho tin đồn lây lan như dịch bệnh. 

Về phần truyền thông, nhất là các tờ báo mạng, nên cân nhắc, kiểm chứng rõ ràng trước khi đưa tin; vì dù sau đó có thể hủy nội dung đã đăng tải ngay, nhưng dấu tích vẫn còn trên Google Search ở phần Cache. Hiện nay mạng xã hội Facebook rất mạnh, chỉ cần báo vừa đăng tin là các cư dân mạng đã tag, share nhanh như chớp. Báo chí ngoài việc cung cấp thông tin, giải trí, thì còn có nhiệm vụ định hướng dư luận. Nếu thông tin sai, sẽ gây hoang mang cho người dân, khốn đốn nhất vẫn là nhà nông, những người lao động miệt mài trên đồng ruộng quanh năm để tạo ra những sản phẩm chân chính…

Ngoài ra, báo chí cũng cần "mạnh tay" dập ngay những tin đồn thất thiệt thông qua những thông tin tích cực, những giải thích rõ ràng từ các nhà khoa học, cơ quan chức năng và các chuyên gia để người dân yên tâm sử dụng nông sản, thủy sản đó mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe; góp phần giúp giá cả thị trường được bình ổn, không rối loạn. Chỉ có thông tin tích cực, nhanh tay "đáp trả" lại những tin đồn thất thiệt mới giúp nhà nông yên tâm lao động, sản xuất và sống khỏe với nghề mà mình đã chọn.

Hoàng Duy

TIN LIÊN QUAN