(Baonghean) - Biết rằng khi nước chưa yên thì nhà cũng chưa ổn, nên những lần về thăm nhà đành nuốt nước mắt vào trong. Từ hai “mảnh vỡ của chiến tranh”, chúng tôi ghép với nhau thành gia đình trọn vẹn với những thương yêu đong đầy. Vừa tham gia xây dựng quân đội, tôi vừa bù đắp những mất mát thiệt thòi cho người thân và chính mình bằng cách nâng niu, chăm chút gia đình. 

Tôi sinh năm 1928, năm 17 tuổi đã hoạt động “tự vệ đỏ” ở địa phương. Còn nhớ, đêm 20/8/1945 đội tự vệ tập hợp, ngày 22/8/1945 đội tự vệ đánh bại một trung đội lính khố xanh để chiếm đồn Kim Nhan (Anh Sơn), cướp chính quyền về tay nhân dân. Cuối năm 1946 tôi tham gia tiểu đoàn tự vệ Nghệ An. Cùng năm đó, vừa sang tuổi 18 tôi xây dựng gia đình với người con gái cùng quê là Hoàng Thị Tum. Ở với nhau chưa tròn 1 năm, một ngày tháng 7/1947 tôi xa người vợ trẻ và bố mẹ già để ra Liên khu 10 (Liên khu Việt Bắc). Lần lượt tham gia 6 chiến dịch: Chiến dịch Biên giới, chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Lý Thường Kiệt, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Hòa Bình, cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ về tiếp quản Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1957 bắt đầu thực hiện chế độ nghỉ phép, nhưng năm 1958 tôi mới xin được một đợt về phép đúng 15 ngày.
 
images1183412_2.jpgKhoảnh khắc đời thường của Thiếu tướng Bùi Đức Tùng cùng vợ và các cháu.
13 năm biền biệt xa cách, không thông tin, không thư từ, vợ tôi vẫn vẹn một lòng sắt son chờ đợi. Cuộc sống gia đình với cô gái làng về làm vợ anh “tự vệ đỏ”, là ở với nhau chưa tròn 1 năm thì chồng vào bộ đội đi kháng chiến, rồi đằng đẵng 13 năm chăm sóc bố mẹ chồng và chờ đợi người ra trận. Tôi - người lính Điện Biên Phủ trở về thăm nhà trong hào quang chiến thắng, mà thắt lòng khi gia cảnh bộn bề thiếu thốn, đến cái giường cũng không có mà nằm. Đợt phép chỉ 15 ngày qua nhanh như chớp mắt, tôi lại phải ra đi khi vợ chưa kịp có tin vui.
 
Năm 1960, đang công tác ở Thái Nguyên, tôi nhận được thư vợ với bao trăn trở. Cưới nhau đã lâu năm mà chưa có con, vợ tôi muộn phiền. Tôi viết thư về biên rõ địa chỉ để vợ ra thăm. Biết tâm tư vợ, tôi động viên vợ ở lại chờ đến khi nào có bầu mới về. Lần ấy, vợ tôi ra thăm, vợ chồng ở với nhau được 7 tháng, khi biết chắc chắn đã có bầu, vợ tôi trở về quê trong niềm vui sắp được thực hiện thiên chức làm mẹ sau 15 năm làm vợ. Tôi dặn vợ dù là con trai hay con gái thì cũng đạt tên là Thái, để nhớ về Thái Nguyên - nơi vợ ra thăm chồng và có thời gian ở bên nhau lâu nhất kể từ khi cưới. Năm 1961, hay tin vợ ở quê sinh con gái đầu lòng, tôi càng có thêm động lực chiến đấu, mong đất nước sớm hòa bình trở về cùng gia đình nhỏ của mình.
 
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đọc tài liệu giúp thân nhân liệt sỹ tìm kiếm hài cốt.
Năm 1963, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Hết mặt trận Bắc Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến Kon Tum. Đến đầu những năm 1970 thì được điều động ra chiến đấu ở Nam Lào, lúc này tôi đã nhận nhiệm vụ Phó Chính ủy Sư đoàn 2. Sư đoàn 2 được bổ sung thêm một tiểu đoàn, chủ yếu là chiến sỹ quê Nghệ An. Tình cờ có 2 chiến sỹ người cùng làng, câu đầu tiên khi gặp tôi là cho tôi biết rằng vợ tôi đã mất. Một chiến sỹ cho biết vợ tôi mất tháng 1/1971, vì lao tâm, lao lực đổ bệnh nhưng vẫn giấu mọi người, đến khi chuyển nặng thì không chạy chữa kịp... Ruột gan tôi như cắt. Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh đè nặng lên mỗi gia đình, mà người phụ nữ như vợ tôi gánh chịu quá nhiều thiệt thòi, thương đau. Có chồng, chồng lại đi xa, khi vợ mất cũng không thắp được một nén hương... 
 
Tôi lại cuốn theo đời binh nghiệp với các mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh... Khi Hiệp định Paris được ký kết, được cử đi học chính trị mới được phép về thăm nhà.
 
Biết hoàn cảnh của tôi, cơ quan cho một chiếc xe của đơn vị cùng về. Đi đến gần làng, trong đám trẻ tung tăng theo xe, tôi thấy có một bé gái nhỏ, gầy gò đen đúa, đội trên đầu một bó củi khô cứ thế lầm lũi đi. Tôi loáng thoáng nghe có tiếng người già nói: “Cha mi về đó Thái tề”. Lập tức tôi mở cửa xe nhảy xuống. Mới hay đứa bé gái đáng thương, tội nghiệp ấy chính là con mình. Mẹ chết, ông bà già yếu, cha đi chiến trận, mới hơn 10 tuổi con gái tôi đã ngày ngày vào núi lấy củi về phụ giúp ông bà. Về được mấy ngày tôi thấy tình thế không ổn, để con tôi ở nhà trong cảnh mồ côi mẹ, lại xa cha, nguy cơ thất học rất lớn, tôi không thể. Vì vậy, khi ra Bắc học chính trị tôi đã đem con gái ra cùng. Một chiến sỹ cũ của tôi ở Hà Nội đã nhận đưa cháu về ở trong nhà để chăm nuôi, cho ăn học. Một cô giáo Hà Nội cũng có chồng đi chiến trận, đã nhận dạy kèm con tôi. Tôi lại đi vào chiến trường, còn con tôi lại lớn lên trong tổ ấm gia đình đồng đội tôi.
 
Năm 1973, trong thời gian học chính trị tôi thỉnh thoảng đi về thăm bố mẹ. Lúc này, anh em cán bộ địa phương đều là bạn bè, người nhà, có đặt vấn đề với tôi về xây dựng gia đình để tôi tiếp tục yên tâm công tác. Tôi được giới thiệu gặp cô Nguyễn Thị Liên, chồng đã hy sinh (cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ), người em trai duy nhất của Liên cũng hy sinh ở chiến trường. Cũng như tôi, Liên đã có một đứa con gái (Trần Thị Hà) với người chồng liệt sỹ. Hiểu hoàn cảnh, thông cảm với những mất mát không gì bù đắp nổi do chiến tranh gây ra, sau kỳ phép ngắn ngủi đó tôi và Liên đến với nhau với sự trân trọng, sẽ chia. Rồi tôi lại trở vào chiến trường cho đến ngày toàn thắng 1975 mới trở về. Chúng tôi lần lượt sinh các cháu Bùi Thị Nguyên (SN 1975), Bùi Đức Quyền (SN 1977), Bùi Thị Lợi (SN 1980) và Bùi Đức Lộc (SN 1982).
 
Tôi được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh, rồi năm 1981 được điều lên làm Phó Ban Thanh tra Quân khu IV, đóng ở Nam Thanh (Nam Đàn). Những ngày được nghỉ tôi vẫn đạp xe về và phụ giúp vợ con. Lúc đó, dù đã là một đại tá, cán bộ cấp quân khu, nhưng mỗi cuối tuần về nhà, tôi vẫn mang bì tải và gậy, bi đông nước để đến nhà máy xay Vinh chen chúc nhau đóng trấu để về làm chất đốt. Cuộc sống dù bộn bề vất vả, thiếu thốn, nhưng vợ chồng tôi vẫn trân trọng, sẻ chia cho nhau những niềm vui nỗi buồn, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Quan trọng hơn, với các con, chúng tôi không có sự phân biệt đối xử con chung, con riêng, và không làm cho nhau bị tổn thương, luôn cố gắng làm cho các con cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. 
 
Năm 1986 tôi được điều trở lại làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhưng cứ hết việc ở đơn vị là tôi lại về lăn vào làm việc nhà, bất cứ việc gì cũng làm. Trước đó, năm 1984 tôi được phong Thiếu tướng, ở đơn vị thì “quân lệnh như sơn”, nhưng về nhà tôi vẫn luôn là một người bố gần gũi, là người luôn có thể chia sẻ với vợ và các con.
 
Cũng vì thế, các con của chúng tôi giờ rất thương yêu nhau. Gia đình cô con gái Bùi Thị Thái nay định cư ở Úc, gia đình cô Trần Thị Hà ở gần nhà vợ chồng tôi, còn các người con khác đều lập gia đình và sinh sống ở Hà Nội. Nay tôi có 13 cháu, sắp có chắt thứ 2. Tất cả các con tôi đều hòa thuận, đoàn kết, trưởng thành, thương yêu nhau và rất mực quan tâm bố mẹ.
 
Từ người “tự vệ đỏ” đến khi được phong cấp tướng, tôi tham gia trọn vẹn 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, cảm nhận và chứng kiến vô số những mất mát, thiệt thòi, đau thương trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Hoàn cảnh gia đình tôi có nhiều thiệt thòi, nhưng còn may mắn hơn nhiều so với những gia đình khác. Bi kịch của đất nước có chiến tranh như “mẫu số chung”, khó chừa một ai, gia đình tôi cũng vậy. 
 
Gia đình tôi có thể ví là từ hai “mảnh vỡ chiến tranh” lắp ghép lại, nhưng bằng tình yêu thương, chia sẻ, sự tôn trọng nhau, tôi và vợ tôi là Nguyễn Thị Liên đã vượt qua tất cả để rồi chúng tôi lại có một gia đình mới hòa thuận, đoàn kết. Tôi chỉ nghĩ rằng, vì bình yên của Tổ quốc - gia đình lớn, có thể có lúc chúng ta phải chấp nhận hy sinh gia đình nhỏ. Còn để có gia đình nhỏ hạnh phúc, cha mẹ tất phải hy sinh vì con cái. Mà hy sinh của người làm cha, làm mẹ ở đây là dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho con cái. Muốn con ngoan thì cha mẹ phải gương mẫu, phải thực sự thương yêu nhau, trân trọng nhau. 
 
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh)
 
Ngô Kiên