(Baonghean) - Trong một bước đi mới nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa quyết định sẽ điều chuyển khoảng 30.000 lính thủy đánh bộ đến khu vực châu á. Đây được đánh giá là lực lượng chủ lực của Mỹ nhằm ứng phó cho những tình huống tác chiến bất ngờ. Vậy bước đi này của Mỹ đang muốn chuyển tải thông điệp gì, nó sẽ tác động ra sao đến cục diện quân sự - an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Đối phó với các điểm nóng khu vực

Với quyết định điều chuyển 30.000 lính thủy đánh bộ tới đảo Hawaii và khu vực Tây Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ đã không ngần ngại nhấn mạnh rằng, mục đích của sự bố trí lại quân này là nhằm rút ngắn thời gian quân đội Mỹ đối phó với các tình huống chiến tranh bất ngờ tại khu vực. Theo giới phân tích, một loạt điểm nóng tại châu Á - Thái Bình Dương đã khiến Mỹ khó có thể ngồi yên thời gian này. 

Thứ nhất, đó là các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với việc Trung Quốc vẫn tiếp diễn các hành động ngày càng nguy hiểm tại khu vực này, khi liên tục bồi đắp các đảo đá, xây dựng thành các căn cứ quân sự. Thứ hai, đó là các diễn biến khó lường luôn trực chờ trên bán đảo Triều Tiên.

Mới tháng 8 vừa qua, hai miền đã đột nhiên trở nên căng thẳng, thậm chí xảy ra các vụ đấu pháo. Đến cuối tháng 8, quan hệ hai bên đã lắng xuống tuy nhiên trong tuyên bố mới đây hôm 1/10, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong tiếp tục khẳng định, nước này vẫn giữ vững lập trường kiên định sẽ sử dụng tất cả các biện pháp tự vệ để đáp trả mạnh mẽ những hành động ngăn cản vụ phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình.

Thứ ba phải kể đến đó là các tranh chấp chồng chéo giữa Trung Quốc, Nga với đồng minh Nhật Bản. Sức nóng mới nhất là chuyến công du của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến quần đảo Kuril do Moskva kiểm soát, nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Ảnh: AP

Trên thực tế, Chính phủ Mỹ cũng thường điều động lực lượng chủ lực là lính thủy đánh bộ đến xử lý các cuộc xung đột khu vực hay phối hợp với hải quân các nước đồng minh. Trong khi đó, quyết định điều quân lần này cũng phù hợp với Chiến lược quân sự 2015 được Mỹ công bố hồi tháng 7 vừa qua.

Theo đó, một trong những điểm mới của chiến lược này là Mỹ đã chỉ ra yếu tố “quốc gia đối thủ” với nước xếp đầu danh sách là Nga và Trung Quốc. Với Nga là cáo buộc đã vi phạm hàng loạt thỏa thuận với các hành động quân sự, như Hiệp ước Tên lửa tầm trung. Còn với Trung Quốc, Mỹ vạch rõ, tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc đã vi phạm các quy định và luật pháp quốc tế. 

RĂN ĐE HAY ĐỐI ĐẦU?

Theo Tạp chí Diplomat, hiện Mỹ có khoảng 80.000 binh sỹ đang đóng quân tại Đông Á và Thái Bình Dương, chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cộng thêm 30.000 lính thủy đánh bộ sắp bổ sung thì lực lượng của Mỹ tại khu vực sẽ là con số không nhỏ.

Bên cạnh đó, trong vòng 1 tháng tới đây, Mỹ sẽ triển khai 4 hệ thống vũ khí chiến lược, trong đó có máy bay ném bom tàng hình B-2, các tàu ngầm và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và các máy bay chiến đấu hiện đại F-22.

Hai máy bay chiến đấu F-22 và tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng có kế hoạch sẽ thăm Hàn Quốc trong tháng 10. Sắp tới còn có thông tin Mỹ đang muốn đưa Hạm đội số 3 hùng mạnh từ San Diego đến hoạt động ở Thái Bình Dương, song hành cùng Hạm đội 7 đang có mặt tại khu vực này với trụ sở đặt tại Nhật Bản.

Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang chuẩn bị cho những tình huống xung đột quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương với hàng loạt điểm nóng đang diễn ra. Thế nhưng theo giới quan sát, mọi chuyện lại không dễ dàng như vậy.

Đầu tiên, xét về chiến lược dài hơi, thực ra bước chuyển quân này của Mỹ nằm trong lộ trình xoay trục sang châu Á của Mỹ vốn đã công bố từ vài năm trước. Điều này cũng đã được khẳng định trong Chiến lược quân sự công bố hôm 1/7 vừa qua, theo đó nhấn mạnh sự chuyển dịch đối tượng tập trung chiến lược sang khu vực Thái Bình Dương.

Thứ hai, bước đi này cũng là nhằm làm yên lòng các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines vốn cho rằng, chính quyền ông Obama chỉ “nói nhiều hơn làm” trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Điều này khiến họ khó có thể an tâm trước các mối nguy an ninh trong khu vực.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang phải chịu sức ép lớn từ trong nước của phe Cộng hòa với quan điểm cứng rắn trong việc ứng xử với các hành động của Trung Quốc.

Thứ tư và cũng là điều quan trọng nhất, Tổng thống Obama thừa hiểu rằng, xung đột và chiến tranh sẽ chỉ là thảm họa cho bất kỳ bên nào, kể cả Mỹ hay Trung Quốc. Trong khi đó, hiện nay đang là thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng đang đến rất gần.

Chắc chắn rằng, cả ông Obama và phe Dân chủ cũng như phe Cộng hòa - dù cứng rắn nhưng cũng không hề muốn xảy ra các tình huống xung đột. Đây sẽ là điểm trừ rất lớn cho bất cứ phe nào trong cuộc chạy đua đến vị trí Tổng thống Mỹ năm 2016 tới đây. Vì vậy, việc chính quyền Mỹ tăng tốc điều chuyển quân sắp tới sẽ là động thái răn đe và cảnh báo nhiều hơn là chuẩn bị cho một diễn biến xấu.

Thực ra, điều này cũng phù hợp với xu thế của thế giới và cả khu vực hiện nay, đó là đối thoại và hòa bình. Theo giới quan sát, trước mắt, kế hoạch của Mỹ có lẽ sẽ là huấn luyện và tập trận với các đồng minh trong khu vực. Nhưng chỉ cần như vậy thôi thì phía Trung Quốc chắc chắn cũng phải có những sự điều chỉnh nhất định trong chiến lược tại khu vực châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Và ít nhất với các bước đi mới nhất của Mỹ, các điểm nóng trong khu vực chắc chắn sẽ giảm nhiệt. 

Khang Duy