Trong Tết Đoan Ngọ, ngoài mua những hoa trái đầu mùa, rượu nếp, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cỗ cúng bái tổ tiên. Mâm cỗ này phải có những gì?
Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, Tết Đoan Ngọ là dịp quan trọng thứ hai trong năm, sau Tết Nguyên Đán. Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Nửa năm (vì người Việt trước dùng lịch kiến Tý, tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch), Tết Đoan dương, Tết Trùng ngũ,…
Đoan ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan nghĩa là bắt đầu, ngọ chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều).
Hiện, vẫn có nhiều gia đình ở nông thôn và thành thị vẫn ăn cơm rượu, ăn trái cây và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong dịp này.
Ở các gia đình miền Bắc thường sẽ có quả dưa hấu trên bàn cúng. Từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt.
Còn người Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Cư dân nông thôn miền Nam thường đúc bánh lọt, bánh tro, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn.
Tuy nhiên, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ phải có những món ăn sau:
Bánh tro
Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của Miền Bắc. Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài hoặc hình chóp tam giác (tùy nơi gói), bánh có cả 3 loại nhân ngọt hoặc mặn hoặc không nhân.
Bánh tro (gio) được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta tin khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Bánh gio có vị thanh mát nên rất phù hợp vào tiết trời nóng bức.
Bánh có vị ngai ngái nồng nồng của nước tro tàu nhưng khi đã nếm thử sẽ thấy vị mát, thanh và rất tốt cho đường tiêu hoá.
Cơm rượu nếp
Cũng như bánh tro, cơm rượu nếp được bán rất nhiều trong Tết Đoan Ngọ ở các hàng quán ngoài chợ và trên cả những gánh hàng rong.
Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì diệt sâu bọ rất hiệu nghiệm. Bởi theo quan niệm vị nồng cay của rượu nếp sẽ khiến các loại kí sinh trong cơ thể bị tiêu diệt.
Ở mỗi vùng miền cách ủ cơm rượu lại khác nhau. Rượu nếp ngon là loại rượu nếp được làm từ gạo nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, nhất là loại gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Ăn hạt chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhẹ những vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Hoa quả theo mùa
Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa là vật phẩm không thể thiếu để người Việt thắp hương và thưởng thức trong Tết "giết sâu bọ". Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức.
Ở miền Bắc, những loại quả thời vụ điển hình như mận, vải, đào đều không thể thiếu trong mâm cúng. Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.
Thịt vịt
Người ta chỉ quen với những cái tên như bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… mà ít ai biết rằng trong ngày lễ giết sâu bọ ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta lại ăn thịt vịt.
Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.
Ngoài ra, mọi nhà nên chuẩn bị thêm đồ lễ cúng Tết Đoan Ngọ như:
– Hương, hoa, vàng mã.
– Nước.
– Rượu nếp.
– Các loại hoa quả:
+ Mận
+ Hồng xiêm
+ Dưa hấu
+ Vải
+ Chuối
+ Xôi, chè
+ Bánh ú tro
Thanh Hà