Báo The Star trích lời Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi nói như vậy với phóng viên bên hành lang quốc hội hôm 30/10. Ông Ahmad Zahid cho hay Bộ của ông đang thảo luận với Bộ Giáo dục về việc này.
Theo đó, du học sinh học tại các trường sau phổ thông của Malaysia sẽ được cấp thẻ mang thông tin sinh học cá nhân, cùng với các tính năng khó làm giả như mã vạch và chip nhận diện theo tần số vô tuyến (RFID).
“Với loại thẻ này, sinh viên không cần mang theo hộ chiếu của nước họ”, ông Ahmad Zahid nói.
Theo số liệu của ngành giáo dục, năm 2012 Malaysia có khoảng 80.000 sinh viên quốc tế, và ước tính đến năm 2020 con số này sẽ đạt 200.000.
Quản lý lao động nước ngoài
Bộ trưởng Ahmad Zahid cũng cho biết thẻ sinh viên mới sẽ tương tự thẻ iKad mà nước này đang áp dụng thí điểm đối với lao động nước ngoài.
Thẻ iKad - gồm có mã vạch và thông tin sinh học của chủ thẻ - được phân màu khác nhau tùy ngành nghề mà chủ thẻ đang làm để dễ phân biệt.
Hiện tại, quốc gia chưa đầy 30 triệu dân này có đến 2,3 triệu lao động nước ngoài mà việc quản lý còn nhiều bất cập, gây ra nhiều vấn đề xã hội và an ninh.
Trong đó, ngành chế tạo thu nhận đến 733.000 công nhân nước ngoài, ngành trồng rừng 347.000, dịch vụ 251.000, nông nghiệp 179.000 và giúp việc nhà 180.000.
Theo quốc tịch, lao động từ Indonesia chiếm số lượng nhiều nhất là 935.000 người, tiếp theo là Nepal 359.000, Bangladesh 316.000, Myanmar 174.000, và Ấn Độ 117.000.
Ông Ahmad Zahid cho biết thẻ iKad sẽ được cấp cho toàn bộ số công nhân nói trên bắt đầu từ ngày 15.11 tới và hoàn tất vào cuối năm 2014.
Một hệ thống quản lý tập trung cũng sẽ được thiết lập, cho phép nhân viên xuất nhập cảnh quản lý lao động nước ngoài dễ dàng hơn.
“Chúng tôi đã thông báo cho sứ quán các nước rằng sau khi việc cấp thẻ hoàn tất, công nhân nào không có thẻ sẽ bị trục xuất về nước”, và “sẽ không có nhân nhượng nào cả”, Bộ trưởng Ahmad Zahid quả quyết.
Ông cũng cho biết thêm từ năm 2011, đã có 117 nhà sử dụng lao động bị kết tội thuê lao động nước ngoài bất pháp và bị phạt nặng.
Theo TNO