(Baonghean) - Ngôi nhà nhỏ của ông nằm khuất sau ngõ nhỏ giữa làng, bình yên trong bầu không khí trong veo thôn dã. Trước cổng, ông khắc vài dòng tự răn trích từ Tam Tự Kinh: “Ngọc bất trác/ Bất thành khí/ Nhân bất học/ Bất tri lý”. Lời răn khắc trên nền gạch rêu phong ấy khiến tôi có thoáng chút chần chừ khi khẽ cúi người, bước qua cánh cổng vòm viền những dây hoa leo để gặp ông…

Nhà thơ Mạc Thực Thái Doãn Chất trò chuyện với tác giả.

Thoáng chần chừ ấy, không phải xuất phát từ nỗi e ngại về việc khẳng định hùng hồn tầm quan trọng của đạo học, về sự bồi đắp, rèn giũa tính lương thiện và tử tế của con người, mà chần chừ bởi dự cảm đối thoại với một bậc cao niên thông làu kinh sử, trung văn và có lẽ, đầy khắc kỷ và nghiêm cẩn? Dự cảm ấy, hóa ra lại không thành sự thực. Tác giả Thái Doãn Chất trước mặt tôi là ông lão 74 tuổi, dáng người thấp đậm, khuôn mặt phúc hậu và lối trò chuyện cởi mở, thân tình. Ông bảo, đang dịch dở mấy cuốn tài liệu Trung văn, và vồn vã mời chúng tôi ngồi xuống dãy ghế xếp nghiêm ngắn trên khoảng sân ngập tràn ánh sáng, ríu rít tiếng chim đầu ngày.

Tôi kể cho ông nghe cảm nhận của tôi khi đọc các tác phẩm đã xuất bản của ông: “Những pha đoản kịch”, “Gửi người”… rằng, vẻ như, thơ và các nghiên cứu của ông đều mang âm hưởng dân gian, hướng tới sự chân chất, hóm hỉnh và thâm thúy của dòng văn học dân gian? Đáp lời, ông mỉm cười đọc vài câu thơ bâng quơ: “Đầu năm giở lịch mà xem/ Trên bìa in thật lắm “em” đến kỳ!/ Em thì chớp chớp hàng mi/ Áo quần thiếu… vải chân đi… vòng kiềng…” Những câu thơ được trích từ bài thơ “Loạn lịch”, ông ứng khẩu từ tết năm nào đến giờ vẫn vẹn nguyên tính thời sự, xuất phát từ sự chướng mắt vì nhiều hình ảnh phản cảm dễu dện trên những tờ lịch Tết - nơi lẽ ra phải trang trọng và vui tươi, hợp thuần phong mỹ tục để gói trọn một năm buồn vui, mở ra năm mới an khang, thịnh vượng. Thái Doãn Chất là thế, một đời mượn thơ để thốt lên tiếng lòng mình.

Sự ngỏ lòng trước thơ, trước đời ấy, xuất phát từ nỗi niềm trăn trở của một người trí thức trước biến động thời cuộc. Tác giả Thái Doãn Chất quê gốc ở làng Cầu, xã Diễn Lợi (Diễn Châu). Đó là danh xưng hiện tại, còn ông, ông thích nhớ về miền quê đằm địa của mình dưới lịch sử ngôi làng Vông, thôn Ngọc Lâm, xã Hoàng Xá, tổng Thái Xá xưa. Ngôi làng ấy vẫn hiện về rõ nét trong màn ký ức cổ lai hy, với cảnh đói quắt quay những năm 1945, với cảnh xếp hàng mậu dịch - tem phiếu thời kỳ bao cấp, với mô hình hợp tác xã tập thể… Ông bảo, nhớ như in từng mốc thời gian, từng sự kiện từng làm lao lung ngôi nhà bé nhỏ và mái nhà tranh yên ấm tuổi thơ. Nhưng nhớ nhất và trân quý nhất, là nền tảng học vấn trong gia đình có người bác và người cha thông tường kim cổ, thạo Hán học, chắp cánh cho sự nghiệp giáo dục và nghiệp văn chương của ông sau này. Ông tốt nghiệp khoa Văn, ĐHSP Hà Nội, đã từng dạy học khắp nơi: Trường Cấp III Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Nghệ An, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu… 

“Sự ham học hỏi và nền tảng kiến thức từ gia đình là cánh cửa mở ra cho tôi những nhìn nhận, hiểu biết sắc sảo về các sự việc, hiện tượng xung quanh. Khốn nỗi, khi đã “nhìn” ra, thì không thể buộc bản thân mình thôi viết, thôi trăn trở.” - tác giả Thái Doãn Chất trần tình. Và ông chọn văn học dân gian như một sự bùng nổ tâm tư, bởi “văn học dân gian là tinh túy chắt lọc từ cuộc sống của nhân dân, của người nông dân một nắng hai sương. Tôi yêu những câu hát, điệu ví, cách đối đáp mộc mạc mà sâu cay, đa nghĩa của nhân dân mình. Tôi cho rằng, văn học dân gian là thứ cuối cùng còn lại trong dòng chảy xiết của thời gian, chính bởi sức mạnh nội tại dân dã của nó.”- ông tâm sự.

Suy nghĩ ấy trở thành mạch nguồn sáng tác xuyên suốt của tác giả Thái Doãn Chất, dẫu có những lúc trong quá trình sáng tác, yêu cầu thúc bách của công việc và thực tế hướng ông đến nhiều thể loại khác. Đến giờ phút này, nghiệp văn chương, thơ phú của ông vẫn để lại nhiều dấu ấn nhất trong lòng độc giả gần, xa ở mảng trào phúng - mảng mà ông bộc bạch, là không chú tâm chăm chút, nhưng dường như thành công nhất. Tập thơ “Những pha đoản kịch” (Nhà xuất bản Nghệ An, 2007) được biết đến với những bài thơ ngắn gọn, sâu cay theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, tứ tuyệt…  Đôi mắt của người nặng lòng với thời cuộc nhìn ra nhiều thói hư, tật xấu, những luật bất thành văn trắng trợn trong xã hội, và ông căm phẫn viết, mỉa mai viết, cay đắng viết. Tôi có cảm giác rằng, người thơ Thái Doãn Chất đang đứng ngay đó, đối diện với những mặt trái cuộc đời và chỉ thẳng tay:

Một vài nơi kể ra cũng mẹo

Lập kế mưu và khéo bày trò

Đưa tham nhũng chống tham ô

Khác chi đem thúng, lấy bồ úp… voi

Làm như thể choi choi thấp nước

Giống như gà vướng tóc nhùng nhằng

Càng làm càng nhũng càng tham

Để dân la lối: Hạ màn ngay đi!

(Hạ màn)

Thơ trào phúng mang lại cho ông sự nhẹ nhõm, dẫu mỗi bài thơ viết ra như “một cuộc đẻ đau”, đồng thời, thơ còn tặng ông những độc giả nhiệt tâm - những người nông dân lam lũ trên cánh đồng mùa gặt, đọc cho nhau nghe những câu thơ thật “đau”, vì nói trúng quá thói tật của bao kẻ trên đời. Tuy nhiên, cũng như bao nhà thơ trào phúng khác, tác giả Thái Doãn Chất cũng gặp phải không ít phiền phức. Nói là nói thói chung trong xã hội, viết là viết để phê phán có tính xây dựng, nhưng nhiều người đọc thơ, vẫn cảm giác như có mình trong đó, hay là “nó” nói “mình”! Thế là chất vấn lên chất vấn xuống, thế là bao phen lận đận và nhiều bận vạ lây, tai nạn vì thơ. Tôi vân vi hỏi, rằng sau những tơi tả dập vùi ấy, ông có còn vững niềm tin với mảng thơ trào phúng đầy chất dân gian? Khẽ trầm ngâm, ông bảo, đến cuối cùng, tôi vẫn luôn là con người thành thực trước thơ.

Những tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ.

Nói vậy, nhưng tôi được biết, mấy năm nay, ông đã có phần chuyển nhiều sang làm thơ Đường luật, nghiên cứu văn bia chữ Hán và các tài liệu Trung văn, đam mê truyện Kiều và các tích cổ dân gian. Ngẫm ra, sự chuyển sang này như là điều tất yếu, không phải bởi ông đã “nguội” đi nhiệt huyết trào phúng. Mà bởi, dẫu vẫn đau đáu lắm với thực tại xã hội nhiều biến động, nhưng tuổi tác và sức khỏe của một ông lão ngoại thất thập có phần phù hợp hơn với sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Lẽ khác, vợ và các con ông cũng để ý kỹ hơn về thời gian làm việc giấy bút của ông, vì những âu lo và quan tâm đến sức khỏe của lão tri niên đã suốt mấy chục năm miệt mài trên trang viết. Nhìn cử chỉ và những lời đỡ khéo của họ, tôi hiểu, ông đang thực sự sống trong khu vườn yên tĩnh của mình, với tình thương yêu và niềm kính trọng vô bờ bến của người thân. Ông bảo, đó là niềm hạnh phúc nhất đời ông, và hơn cả, là có người con trai thứ ba tên Thái Doãn Ân cũng chung niềm đam mê văn chương như cha mình, dẫu hiện tại, anh đang là giáo viên dạy… Toán!

Suốt đời thơ, tác giả Thái Doãn Chất nhận được nhiều giải thưởng quan trọng: Giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ III (2002 - 2005) cho tác phẩm “Văn bia Nghệ An” (dòng văn học dân gian) mà ông đồng tác giả cùng với các nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, Đào Tam Tỉnh, Đặng Quang Liễn; Giải C Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005 - 2010) cho tập thơ “Những pha đoản kịch”… Ông bảo, giải thưởng là thứ đáng trân trọng, ghi nhận chặng đường sáng tác của mình, nhưng ánh hào quang ấy không đủ tỏa sáng dài lâu. Cốt yếu, đừng sống trong danh vọng hão, nếu yêu nghề viết lách nhọc nhằn này, hãy viết đến tận cùng đam mê và thành thực. Rồi ông chia sẻ với tôi về bút danh Mạc Thực của mình: “Mạc Thực nghĩa là chính người họ Mạc - tôi đặt vậy để nhớ về nguồn cội gốc rễ của mình. Mạc Thực cũng nghĩa là… mực thạc, là lọ mực đầy, là sự tự răn về tính nhân văn nghĩa tình trên trang viết, về niềm tôn kính sự học và nghiệp văn chương…”. Tôi ngỡ ngàng khi nghe ông giải nghĩa, và tự nhủ lòng đừng thờ ơ vụt qua những gì tưởng như giản dị, chẳng có gì. Như nhớ lại giây phút tôi gặp ông ban đầu, tưởng như khắc kỷ mà lại vô cùng dễ mến, tưởng như tiếng cười vang rồi tan, ngờ đâu, còn đọng mãi…

Phước Anh