Sở hữu nhiều tính năng đặc biệt như có thể bay lòng vòng chọn mục tiêu tối ưu, chính xác 99%...là những lý do Việt Nam muốn mua tên lửa Deliah.
Tên lửa Delilah do Công ty Israel Military Industries (IMI) của Israel nghiên cứu, chế tạo trên cơ sở một loại “mục tiêu giả” dùng để đánh lạc hướng phòng không đối phương.
Delilah có nhiều phiên bản khác nhau, bên cạnh phiên bản không đối đất, Delilah còn có biến thể đất đối đất khi triển khai từ bệ phóng di động đặt trên xe tải việt dã. Thậm chí, Delilah còn có thể kết hợp cùng các loại đạn phản lực dẫn đường như EXTRA hay AccuLAR (đã có trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam) để tạo nên một hệ thống tấn công nhiều lớp.
Theo công bố của IMI, tên lửa không đối đất Delilah có trọng lượng 187kg, đầu đạn nặng 30kg, chiều dài 2,71m, sải cánh 1,15m, đường kính thân 0,33m. Delilah được trang bị động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ đảm bảo dải tốc độ bay rộng từ 0,3 - 0,7Mach. Khi tên lửa tấn công mục tiêu ở tư thế bổ nhào thì tốc độ có thể tăng lên đến cận âm tức là khoảng từ 0,85 - 0,9Mach.
Tính năng nổi bật
- Tiêu diệt được mục tiêu từ cự ly xa: Mặc dù có kích thước rất nhỏ nhưng tên lửa không đối đất Delilah có cự ly tấn công lên tới 250km và bay ở độ cao 11.000m. Các chuyên gia cho rằng, ở độ cao này giúp tên lửa Delilah tránh bị các phương tiện phòng không của đối phương phát hiện.
- Khả năng tác chiến với nhiều loại mục tiêu khác nhau: Delilah là loại tên lửa do thám/tấn công được trang bị một động cơ phản lực cho phép nó có thể vừa trinh sát và tiêu diệt các mục tiêu.
Delilah sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS hoặc hệ thống dẫn đường quán tính riêng. Do đó nó có khả năng tấn công mục tiêu từ những vị trí phóng được che khuất, cho phép ngắm chính xác và nhanh chóng tấn công các mục tiêu bọc thép hoặc không bọc thép, cơ động hoặc cố định trong mọi điều kiện thời tiết ban ngày cũng như ban đêm và ở các cự ly khác nhau.
- Hiệu suất tiêu diệt mục tiêu cao: Theo công bố của IMI, sai số vòng tròn xác suất tấn công mục tiêu của tên lửa là không quá 1m, thậm chí tại một số thử nghiệm thì sai số này còn giảm xuống chỉ còn 0,4m.
Khi sử dụng hiệu chỉnh đường bay kép (GPS và sensor quang học), sensor quang học ở giai đoạn bay cuối tấn công mục tiêu sẽ phát hiện sự sai lệch so với mục tiêu, khi đó máy tính trên khoang sẽ lái tên lửa thực hiện tấn công lặp lại.
Khi đó tên lửa sẽ bay lòng vòng ở chế độ bay dài tối đa cho đến khi nhận được lệnh tấn công (và khi cần thì theo chương trình bay), còn nếu như nhiệm vụ bị hủy bỏ thì sẽ có lệnh tự hủy.
Phương thức tấn công
Ở giai đoạn đầu, khi có lệnh tấn công, hệ thống điều khiển tên lửa sẽ được kích hoạt để hiệu chỉnh đường bay đến mục tiêu. Máy tính trên khoang sẽ tính toán nhiều phương án tác chiến cho tên lửa, đồng thời liên tục so sánh với các hình ảnh bề mặt địa hình qua đó hiệu chỉnh đường bay cho tên lửa. Những thông tin này có thể nạp vào bộ nhớ của tên lửa ngay cả khi đang bay.
Ở giai đoạn cuối của quỹ đạo, tên lửa sử dụng chế độ tự dẫn. Trước khi lao vào mục tiêu với tốc độ cận âm, tọa độ của mục tiêu được cài đặt vào bộ nhớ chương trình điều khiển bay của Delilah và tên lửa liên tục kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chỉnh đường bay đến mục tiêu do đó Delilah có thể đạt đến độ chính xác trong phạm vi một mét.
Với nhiều tính năng ưu việt như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể xem xét tới việc trang bị loại tên lửa này để biên chế cho các máy bay cường kích Su-22, máy bay tiêm kích Su-27/30MK2, thậm chí là trang bị trên các máy bay trực thăng Ka-28. Qua đó nâng cao năng lực tác chiến không đối đất cho Không quân trong thời gian tới.
Theo Tintuc.vn