Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh trục xuất nhân viên ngoại giao của 23 quốc gia phương Tây, chỉ một ngày sau khi yêu cầu 60 nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này và đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.
Đây là phản ứng quyết liệt của Moscow sau khi Washington và 27 nước khác đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Đòn "ăn miếng trả miếng" này cũng đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất trong quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người trước đó công khai thể hiện sự thân thiện với Moscow và người đồng cấp Putin.
Theo bình luận viên David A. Graham của Atlantic, không điều gì gây trắc trở cho nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump hơn thái độ của ông với Nga. Trong chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần ca ngợi Putin và từ chối lên án việc Nga sáp nhập Crimea. Trump cũng công khai kêu gọi Nga công bố những email đánh cắp được từ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, điều mà các trợ lý của ông sau đó tuyên bố chỉ là "lời nói đùa".
Sau khi nhậm chức, Trump vẫn tiếp tục thể hiện sự ưu ái rõ ràng dành cho Nga. Ông không chịu công nhận cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, luôn muốn ngăn chặn các cuộc điều tra động chạm đến vấn đề này, điều đã gây ra không ít sóng gió về chính trị và pháp lý đối với ông, khi nhiều người Mỹ nghi ngờ Tổng thống đang cản trở công lý và không có quan điểm phù hợp với vấn đề Nga.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga "khả năng cao" đứng sau vụ đầu độc Skripal. Trong lúc cựu đại tá tình báo Nga này nguy kịch trong bệnh viện, bà May gọi cho ông Trump và lãnh đạo nhiều nước phương Tây khác, thuyết phục họ tung đòn hội đồng nhắm vào Moscow. Trong trường hợp này, Trump bất ngờ quay lưng với Nga.
Skripal từng bị Nga kết án tù vì tội chuyển tài liệu mật cho tình báo nước ngoài, nhưng sau đó được đưa tới Anh trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ. Ông này và con gái được phát hiện trúng độc ở Salisbury, Anh hôm 4/3.
Việc Mỹ quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga vì tình nghi họ hoạt động gián điệp và đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle khiến nhiều nước đồng minh bất ngờ về quy mô và mức độ mạnh tay trong đòn trừng phạt của chính quyền Trump.
Tân đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đầu tháng 3 cũng phải viết thư cầu cứu sau khi một loạt lãnh đạo quốc hội và chính quyền Mỹ từ chối tiếp ông. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà Washington dành cho đại sứ tiền nhiệm Sergey Kislayak, người được dẫn vào Phòng Bầu dục gặp Trump hồi năm ngoái, thậm chí còn được cho là đã nghe một số thông tin mật do chính Tổng thống Mỹ tiết lộ.
Theo các quan sát viên, việc ông Trump sa thải cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster để thay thế bằng John Bolton, người có quan điểm cứng rắn với Nga, là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thái độ của ông với Moscow.
John Herbst, học giả tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết những cố vấn như Bolton có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của Trump. "Chính quyền Trump có những chính sách mà người tiền nhiệm không muốn làm, chẳng hạn như cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine. Trong thâm tâm Tổng thống Trump không muốn, nhưng vì lý do nào đó, ông sẵn lòng nghe theo các cố vấn", Herbst nói.
Một số người nhận định quyết định trừng phạt Nga mạnh tay của Trump là nhằm xóa bỏ các thuyết âm mưu cho rằng Putin đang nắm những bằng chứng có thể "khống chế" Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bình luận viên Graham nhận định lý do Trump quay lưng với Putin bắt nguồn từ khao khát muốn khẳng định tính chính danh của Tổng thống Mỹ.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đến nay chưa tìm ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy ông Trump có liên quan đến hành vi "thông đồng" với Nga trong cuộc bầu cử 2016, nên Trump không có lý do gì để lo ngại về cáo buộc mình bị Nga khống chế. Nhưng những cáo buộc theo dạng thuyết âm mưu như vậy khiến Trump cảm thấy vị thế Tổng thống Mỹ của mình bị nghi ngờ, buộc ông phải có hành động quyết liệt để khẳng định rằng mình xứng đáng dẫn dắt nước Mỹ.
Một nguồn tin tiết lộ với NBC News rằng trong quá trình thảo luận về phương án trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Trump thể hiện rõ nỗi bất bình với tuyên bố gần đây của Putin rằng Moscow đang sở hữu những "siêu vũ khí" hạt nhân mới mà Washington không thể ngăn chặn. Ông cần phải làm điều gì đó để khẳng định ưu thế của Mỹ đối với Nga, đúng lúc bà May gọi điện thông báo về vụ Skripal.
Graham cho rằng Trump khó có thể xóa bỏ được thực tế rằng sự can thiệp của Nga đã góp phần giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng ông sẽ tìm mọi cách để khẳng định tính chính danh của mình. Điều này góp phần giải thích việc Trump sẵn sàng trừng phạt Nga vì vụ Skripal, nhưng vẫn sẽ nhanh chóng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử.