Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp liên bang tuần trước thu hút sự chú ý toàn cầu khi tuyên bố các "siêu vũ khí" mà nước này đang phát triển sẽ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trở nên vô dụng.
Đáng chú ý nhất trong loạt vũ khí mới này chính là tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân, được Putin khẳng định là có "tầm bắn gần như không giới hạn" và có khả năng cơ động mạnh để vòng tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ để tấn công từ hướng bất ngờ nhất, theo Washington Post.
James Cameron, giáo sư tại Đại học Fundação Getulio Vargas, Brazil, cho rằng bằng hành động công bố vũ khí "siêu hủy diệt" này, ông Putin đang muốn thể hiện sức mạnh chiến lược của Nga đối với thế giới, đồng thời cho thấy nỗ lực của Moscow trong việc bù đắp những thiếu sót trong khả năng tấn công tầm xa. Tuy nhiên, tính năng của loại tên lửa này ngay lập tức làm dấy lên những nghi ngờ trong giới chuyên gia quốc tế.
Richard Aboulafia, bình luận viên của Forbes, nhận định việc trang bị động cơ hạt nhân cho tên lửa hành trình không phải là một ý tưởng mới, cũng không phải là cách hay để tăng khả năng tấn công tầm xa.
Theo ông, lò phản ứng hạt nhân dù thu nhỏ tới đâu cũng là khá lớn đối với một quả tên lửa hành trình, khiến nó có rất ít không gian để lắp đặt hệ thống dẫn đường hay đầu đạn cỡ lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tấn công chính xác của tên lửa, làm giảm uy lực thực sự của nó.
Đây cũng là những lò phản ứng hạt nhân chỉ sử dụng được một lần, nên chi phí phát triển tên lửa là rất lớn, giá thành của mỗi đơn vị vũ khí cũng rất đắt đỏ. Ngoài ra, công nghệ động cơ đẩy bằng lò phản ứng hạt nhân còn khá mới mẻ đối với Nga, nên loại tên lửa hành trình này sẽ còn rất lâu mới có thể đưa vào biên chế.
Theo Aboulafia, Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cho lò phản ứng hạt nhân lắp trong một quả tên lửa hành trình, gây ra lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường, thậm chí là thảm họa hạt nhân khi lò phản ứng này phát nổ cùng quả tên lửa lao xuống mục tiêu.
Nếu một vụ phóng thử tên lửa như vậy thành công, nó vẫn gây ra ô nhiễm phóng xạ nặng nề ở khu vực mục tiêu, gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái. Trong trường hợp một quả tên lửa gặp trục trặc khi phóng thử, Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng nhiễm xạ nghiêm trọng ở những khu vực ngoài dự tính, có thể khiến nó trở thành vùng đất chết.
Chuyên gia này cho rằng dù đối mặt nhiều thách thức và rủi ro, Nga vẫn quyết tâm theo đuổi loại tên lửa này bởi những tiến bộ đáng kể gần đây của Mỹ trong năng lực tấn công tầm xa, trong đó dựa nhiều vào công nghệ tàng hình.
Không quân Mỹ hiện được biên chế 20 oanh tạc cơ tàng hình B-2, mỗi chiếc có thể mang 16 tên lửa tấn công mặt đất tàng hình AGM-158. Các oanh tạc cơ tầm xa này cũng có độ tin cậy cao hơn, chi phí vận hành rẻ hơn so với các loại tên lửa mang lò phản ứng hạt nhân chỉ sử dụng được một lần.
Mỹ cũng đã bắt tay vào phát triển oanh tạc cơ tàng hình chiến lược thế hệ tiếp theo B-21, với kế hoạch triển khai 100-175 máy bay vào năm 2025, cùng với các loại vũ khí tàng hình mới phóng từ máy bay, đặc biệt là tên lửa hành trình tầm xa LRSO.
Trong khi đó, phi đội oanh tạc cơ của Nga hiện nay chỉ gồm khoảng 50 máy bay Tu-95 có từ thập niên 1950 và 12 chiếc Tu-160 hiện đại hơn nhưng lại có tiết diện radar rất lớn, khó có thể ẩn mình trước các hệ thống trinh sát hiện đại của đối phương.
Nga đã tìm cách phát triển oanh tạc cơ tàng hình PAK-DA suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa thể chế tạo được bản mẫu đầu tiên do vấp phải những thách thức lớn về kỹ thuật và nguồn lực. Moscow được cho là vẫn chưa sở hữu nền tảng công nghệ cần thiết để chế tạo oanh tạc cơ tương tự như B-2 của Mỹ. Thay vào đó, quân đội nước này quyết định đầu tư hiện đại hóa Tu-160, mẫu máy bay có từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga đã đặt hàng 10 chiếc Tu-160M2 hiện đại hóa, với kế hoạch hoàn thành từ năm 2023.
Nói cách khác, trong thập kỷ tiếp theo, trong khi Mỹ cho nghỉ hưu B-1 và đưa vào sử dụng oanh tạc cơ tàng hình thế hệ hai, không quân Nga vẫn chỉ được tiếp nhận biến thể tương tự bản B-1 hiện đại hóa, khi tham vọng về một loại máy bay ném bom tàng hình tầm xa vẫn còn khá xa vời. Thực tế này khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển tên lửa hành trình có khả năng tấn công toàn cầu nếu muốn duy trì sức mạnh của mình.
Người Nga dường như tính toán rằng những công nghệ mới như động cơ hạt nhân hay phương tiện lướt siêu thanh sẽ giúp không quân của họ san bằng khoảng cách với Mỹ và xuyên thủng được lá chắn phòng thủ của đối phương.
Tính toán chính trị của Putin
Tuyên bố của Putin về các "siêu vũ khí" gây ra sự hoài nghi của giới chuyên gia quân sự quốc tế, nhưng lại thắp lên hy vọng với người dân Nga về một tương lai tươi sáng của nước Nga hùng cường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào ngày 18/3, nơi Putin sẽ cạnh tranh với 7 ứng viên khác để có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư.
Giáo sư Cameron cho rằng thay vì lên truyền hình tranh luận như các ứng viên khác, ông Putin có thể tận dụng thông điệp liên bang của mình để truyền đi những tín hiệu tích cực với cử tri và không gì gây ấn tượng mạnh hơn bằng những thành tựu quân sự của nước Nga.
"Trước đây không ai chịu nghe nước Nga. Nhưng với những thành tựu quân sự này, giờ đây cả thế giới đang phải lắng nghe", ông Putin khẳng định trong bài phát biểu. Tuyên bố này của ông tạo nên hình ảnh về một nước Nga có vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế, được củng cố dưới sự dẫn dắt của ông sau thời gian dài thất thế trước phương Tây.
Với việc công bố tên lửa hành trình mới hay siêu ngư lôi hạt nhân, Putin đã công khai cạnh tranh sức mạnh quân sự với Mỹ trong một nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin và niềm lạc quan vào tương lai của người dân nước Nga, Cameron nhận định.