Ông Streltsov nhắc lại: "Lập trường của Nhật Bản đã được thể hiện vào đầu tháng 11 năm ngoái liên quan đến việc giải quyết vấn đề hiệp ước hòa bình trên cơ sở tuyên bố năm 1956, trong đó chỉ đề cập đến việc chuyển nhượng hai hòn đảo này của Nhật Bản. Theo nghĩa này, ông Abe giữ lập trường nhất quán bằng cách xác nhận những gì đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Singapore".
Tuy nhiên, theo ông, Tokyo luôn duy trì lập trường rằng việc chuyển giao hai hòn đảo chỉ là một bước trung gian trên con đường giải quyết vấn đề này, và trong tương lai Nhật Bản phải kiên quyết đề nghị tiếp tục đàm phán lãnh thổ với Nga để giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến hai hòn đảo còn lại là Kunashir và Iturup.
Chuyên gia này nhận định: "Hiện tại theo tôi hiểu thì ông Abe không đặt ra mục tiêu như vậy, bởi nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận ra rằng việc chuyển cho Nhật Bản hai hòn đảo Kunashir và Iturup là hành động không thực tế. Về vấn đề này, lập trường của Nhật Bản thay đổi theo hướng thỏa hiệp lớn hơn với Nga. Có lẽ đây là chính là bản chất của tuyên bố mà ông Abe đưa ra. Mức độ sẵn sàng của Nhật Bản trong việc từ bỏ các yêu cầu đối với hai hòn đảo hiện là câu hỏi chưa lời đáp”.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trở ngại chính đối với vấn đề này liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.