Mỹ, Anh, Pháp ngày 14/4 sử dụng tàu chiến, oanh tạc cơ, tàu ngầm phóng 105 tên lửa hành trình tấn công ba cơ sở bị nghi sản xuất, tàng trữ vũ khí hóa học của Syria. Trong cuộc tấn công này, Mỹ không tung tiêm kích tàng hình F-22 vào tham chiến, dù đây được coi là vũ khí phù hợp nhất để đối mặt với lưới phòng không rất mạnh của Nga ở Syria, theo Military.
"Trong các lựa chọn được cân nhắc, oanh tạc cơ B-1B phóng tên lửa tầm xa từ ngoài không phận Syria được ưu tiên vì nhiều lý do, gồm giảm thiểu rủi ro cho máy bay và phi công, cũng như tận dụng độ chính xác cao của tên lửa AGM-158B JASSM-ER", trung tá Damien Pickart, phát ngôn viên quân đội Mỹ, cho biết.
Quân đội Syria sở hữu nhiều tổ hợp phòng không hiện đại như Buk-M2E và Pantsir-S1, trong khi các hệ thống tầm xa S-200 nhiều khả năng được hỗ trợ bởi radar trong tổ hợp S-400 Nga tại tỉnh Latakia. Sự kết hợp này khiến những tiêm kích thế hệ 4 và oanh tạc cơ đời cũ của liên quân dễ bị phát hiện, khó có thể thực hiện đòn tấn công hiệu quả.
Tuy nhiên, ngay cả khi tiêm kích Tornado GR4 Anh cùng Rafael Pháp thực hiện đòn tấn công, các chiến đấu F-22 Mỹ cũng không xuất hiện. Thay vào đó, Washington chỉ sử dụng máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler của thủy quân lục chiến.
Không quân Mỹ triển khai 8 tiêm kích F-15 và F-16 tới khu vực giữa đảo Cyprus và bờ biển Syria trong thời gian diễn ra không kích. Các chiến đấu cơ này có nhiệm vụ cảnh giới đường không, đề phòng tiêm kích và tàu chiến Nga. Phi đội F-16 cũng có thể đóng vai trò chế áp phòng không đối phương.
Trung tá Pickart cho biết F-22 vẫn là phương án dự phòng trong cuộc tấn công, nhưng không được sử dụng vì Mỹ ưu tiên phô diễn tính năng tên lửa JASSM-ER.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, tên lửa JASSM-ER có tầm bắn lên tới 1.000 km, có khả năng tàng hình trước radar và được thiết kế "để hủy diệt hệ thống phòng không cùng các mục tiêu giá trị cao, cố định và di động, được bảo vệ chặt chẽ của đối phương, đồng thời giúp bảo vệ máy bay trước hệ thống phòng không thù địch".
Tuy nhiên, JASSM mới chỉ được tích hợp lên một số loại máy bay trong biên chế quân đội Mỹ như B-1, B-2, B-52, F-16 và F-15E. Tiêm kích tàng hình F-22 vốn nổi tiếng khó tương thích với các vũ khí mới do phần mềm điều khiển hỏa lực khó nâng cấp, nên chưa được trang bị loại tên lửa này.
"Phi đội F-22 luôn sẵn sàng, nhưng không tham gia tác chiến như dự kiến. Nó phù hợp hơn với vai trò phòng không, bảo vệ các lực lượng liên quân và đồng minh", ông Pickart nói.
Đây không phải lần đầu tiêm kích F-22 bị Mỹ gạt ra khỏi các chiến dịch quân sự. Hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ triển khai phi cơ F-15E để bắn hạ máy bay không người lái Shaheed của Iran khi nó áp sát các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn. Cùng giai đoạn đó, tiêm kích F/A-18E Super Hornet cũng bắn rơi cường kích Su-22 Syria ở phía nam Taqbah.
"Chúng tôi triển khai F-22 đến khu vực có mối đe dọa lớn nhất, nhưng chúng không thể hiện diện 24/7", chuẩn tướng Charles Corcoran, chỉ huy Không đoàn viễn chinh số 380 không quân Mỹ, đơn vị vận hành mẫu F-22 ở Trung Đông, cho biết.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết F-22 không nhất thiết phải tham chiến trực tiếp. Chiến đấu cơ này đảm nhận vai trò là "tai mắt" trên chiến trường, sau đó truyền thông tin cho các lực lượng đồng minh mà không sợ bị đối phương phát hiện từ xa.
Trong cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria hồi tháng 4/2017, nhiều tiêm kích F-22 xuất hiện gần không phận Syria. Chúng liên tục hoán đổi vị trí, bảo đảm luôn có máy bay cảnh giới trên không. Với những nhiệm vụ kiểu này, F-22 được trọng dụng bởi nó là chiến đấu cơ duy nhất có thể sống sót trong môi trường chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của đối phương.