Triều Tiên vừa bị Mỹ đưa trở lại danh sách "các nước tài trợ khủng bố", theo đó sẽ phải chịu các đòn trừng phạt của Washington về tài chính, giao dịch buôn bán liên quan vũ khí và các biện pháp cấm vận.
Theo AP, đây là một hành động rất cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trước đó, danh sách này chỉ gồm 3 quốc gia là Sudan, Iran và Syria. Vì sao Triều Tiên lại bị ông Trump đưa trở lại "danh sách đen"? Và Triều Tiên thế nào so với ba nước còn lại?
AP nêu lý do cụ thể đối với từng quốc gia:
Triều Tiên
Năm 1988, Bình Nhưỡng bị Washington xếp vào danh sách đen, nhưng được đưa ra năm 2008 vì Mỹ muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân.
Lần này, Triều Tiên bị cáo buộc liên quan tới vụ ám sát một công dân được cho là Kim Jong Nam, anh trai ông Kim Jong Un, ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Bên cạnh đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên đứng sau các vụ tấn công mạng có thể liệt vào diện khủng bố.
Syria
Syria nằm trong danh sách ngay từ năm 1979. Mỹ cáo buộc chính phủ Syria ủng hộ nhiều nhóm khủng bố khác nhau gây bất ổn vượt ra ngoài khu vực.
Washington cho rằng chính quyền Tổng thống Bashar Assad cung cấp sự hỗ trợ về vũ khí và chính trị cho Hezbollah, tổ chức có trụ sở ở Lebanon, và giúp Iran vũ trang cho nhóm này.
Mỹ nhắm tới Syria còn bởi lo ngại về vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Iran
Iran xuất hiện trong danh sách năm 1984. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 gọi Iran là nước bảo trợ số 1 cho khủng bố, lập luận nước Cộng hòa Hồi giáo hậu thuẫn phiến quân Shiite ở Iraq...
Ngoài ra, vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu ra với Iran vì nguy cơ từ chương trình hạt nhân của nước này.
Sudan
Quốc gia Đông Phi này, nơi chứa chấp Osama bin Laden nhiều năm hồi thập niên 1990, bị đưa vào danh sách năm 1993. Nhưng ngoài các mối quan hệ khủng bố và một tổng thống bị Tòa án Tội phạm quốc tế truy nã vì tội diệt chủng, Sudan còn bị Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chà đạp lên luật pháp và để cho các lực lượng an ninh tự do phạm tội.
Theo VNN