Năm ngoái, giáo viên trung học Mallory Heath đã giao cho học sinh đề tiểu luận nhằm trả lời câu hỏi cơ bản: “Tôi là ai?”.
Đó là năm thứ năm của Heath tại trường trung học Basha ở Chandler (Arizona, Mỹ), quê hương cô. “Nếu không dạy học, tôi không biết tôi là ai”, cô giáo 30 tuổi ngẫm nghĩ về câu trả lời của riêng mình.
Theo BuzzFeed News ngày 11/4, dù dồn hết tâm huyết vào công việc, Heath không thể trang trải cuộc sống với đồng lương ít ỏi. Bài tiểu luận của cô đã biến thành bức thư ngỏ gửi đến thống đốc bang Arizona Doug Ducey, bày tỏ nỗi thất vọng về ngân sách giáo dục nghèo nàn.
“Tôi tốt nghiệp đại học và thậm chí không thể đạt mức lương của tầng lớp trung lưu? Khi ông cắt giảm ngân sách trên toàn bang, tôi muốn biết ông có làm điều đó với một nụ cười hay không. Tôi đang vô cùng tức giận. Khi suy nghĩ về sự bất công và thờ ơ đối với nghề giáo, tôi muốn hét cho đến khi mất tiếng. Tôi thậm chí không kiếm đủ tiền để trả các hóa đơn”, cô viết.
Heath đăng lên mạng xã hội LinkedInvà bức thư lan truyền nhanh chóng, thu hút sự chú ý của phương tiện truyền thông địa phương. Chỉ hơn một năm sau, ngày 30/3 vừa qua, Heath buồn bã viết đơn xin nghỉ việc. Học sinh lớp 11 và 12 biết cô giáo vẫn rất yêu nghề, nhưng cô nói với các em rằng mình không thể ở lại.
Lương bóp chết đam mê
Heath biết mong ước cháy bỏng của mình là giúp đỡ những đứa trẻ. Cô nhận ra trở thành giáo viên là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. Heath tham gia các khóa tiếng Anh trong chương trình giáo dục của Đại học bang Arizona, tốt nghiệp năm 2012 với điểm trung bình 4,13.
Việc dạy học đối với Heath giống như một phép màu. Từ khoảnh khắc đầu tiên bước vào trường trung học Basha, cô bị cuốn hút bởi sự quan tâm của nhân viên nhà trường và cảm giác đây là một gia đình.
Mức lương khởi điểm của cô là 35.800 USD một năm, nghe khá ổn đối với Heath lúc đó. Khi cầm trên tay tấm séc đầu tiên trị giá 945 USD sau những tuần làm việc 60 tiếng, cô vẫn lạc quan. Các giáo viên kỳ cựu đã nói rằng nếu trải qua những năm khó khăn đầu tiên, cô có thể sống thoải mái như tầng lớp trung lưu.
Năm đầu tiên đi dạy cũng là năm đầu tiên khu học chánh Chandler Unified giảm lương sau 7 năm ổn định, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trên toàn quốc, ngân sách giáo dục thấp hơn 6% so với năm 2008. Ở Arizona, tình hình tồi tệ hơn. Bang đã cắt giảm ngân sách, sau đó cắt giảm thuế. Mức tăng 10.000 USD cho những ai có bằng thạc sĩ giảm còn 1.000 USD. Heath và bạn học có trải nghiệm khác hẳn những giáo viên vào nghề trước đó vài năm. Đến năm 2016, 42% giáo viên Arizona được tuyển dụng năm 2013 đã rời hệ thống trường công.
Heath quyết tâm đánh bại những khó khăn. Cô thức giấc lúc 5h sáng, nghe những podcast (dữ liệu âm thanh và video) về giáo dục khi lái xe đến trường, chấm bài khi về nhà 12 tiếng sau đó. Cô không bao giờ ngừng nghĩ về “lũ trẻ của mình”, cách cô gọi học sinh thân yêu. Thi thoảng, sau vài năm rời trường, cựu học sinh chợt nói lời cảm ơn về sự giúp đỡ của cô trong những năm tháng khó khăn thời đi học. Do vậy, hiểu theo một cách nào đó, công việc của cô đã được trả lương xứng đáng.
Heath không có khoản vay thời sinh viên, cũng không phải chịu trách nhiệm tài chính cho một gia đình. Nhưng với một tấm bằng đại học, sáu năm kinh nghiệm và sự công nhận về chuyên môn, cô không thể kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân, buộc phải tìm bạn cùng phòng để chia sẻ gánh nặng kinh tế. Giống 16% giáo viên Mỹ, Heath phải nhận công việc thứ hai. Cô từng phục vụ trong tiệm bít tết một năm rưỡi, nhưng từ bỏ vì không thể cân đối với việc dạy học.
Sau 5 năm, lương của Heath đã đạt mức 42.812 USD một năm, nhưng vẫn không đủ. Các hóa đơn cơ bản hết khoảng 2.500 USD cho khoản vay thế chấp nhà, bảo hiểm, xăng xe, tạp phẩm, điện nước. Sau khi trừ thuế, cô kiếm được 2.200 USD, âm 300 USD so với nhu cầu. Nỗi thất vọng trở nên tồi tệ hơn khi lốp xe của cô mòn vẹt.
“Khi biết cần thay món đồ cần thiết nào đó, tôi như bị đấm một cú mạnh vào dạ dày. Tôi có một cặp kính vẫn dùng từ năm 19 tuổi, phải dán keo cho chắc chắn vì không đủ tiền mua cặp kính mới”, cô nói.
Phản hồi của cộng đồng về bức thư dài 2.100 từ khiến Heath choáng ngợp. Phụ huynh của các cựu học sinh cảm ơn cô, giáo viên bang Arizone và trên khắp đất nước thể hiện sự đồng cảm. Một số người đề nghị mua lốp xe mới cho Heath, một trong những khoản chi phí ngoài dự tính mà cô rất sợ hãi khi nghĩ tới.
Nhưng mùa thu năm ngoái, Heath hiểu sự nghiệp của mình không bền vững. Cô bước vào năm học 2017-2018, đối mặt với những khó khăn của năm cuối cùng trên bục giảng.
Khoảng trống giáo viên để lại
Những năm qua, tình trạng thiếu hụt giáo viên đã được báo động khi những người kỳ cựu nghỉ hưu, những nhà sư phạm trẻ tuổi kiệt sức vì công việc quá tải, sinh viên đại học chọn những ngành nghề có mức lương hấp dẫn hơn. Nền giáo dục nước Mỹ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng khi hàng loạt cuộc bãi công tập thể diễn ra liên tiếp ở bang West Virginia, Oklahoma và Kentucky đầu năm nay do mức lương đóng băng và ngân sách siết chặt. Giáo viên bang Arizona cũng đe dọa biểu tình trên diện rộng nếu chính quyền không tìm cách thay đổi.
Bị điều chỉnh theo lạm phát, lương trung bình của giáo viên trung học ở bang Arizona năm 2016 giảm 10% so với năm 2001. Những giáo viên như Heath, dù đam mê công việc, không thể chờ đợi lâu hơn nữa cho một đợt tăng lương.
Arizona từ lâu đã chiếm vị trí ở phía cuối bảng xếp hạng lương giáo viên và mức chi tiêu cho mỗi học sinh, cùng với các bang Oklahoma, West Virginia, Idaho, Utah và Mississippi. Năm 2015, Arizona chi 7.590 USD cho mỗi học sinh, so với mức trung bình toàn quốc là 11.454 USD. Theo Cục Thống kê Lao động, mức lương trung bình của giáo viên tiểu học Mỹ là 57.160 USD, giáo viên trung học là 59.170 USD. Trong khi đó, giáo viên tiểu học Arizona nhận được trung bình 43.280 USD và giáo viên trung học là 46.470 USD một năm.
Nghiên cứu năm 2017 của Viện Chính sách công Morrison thuộc Đại học bang Arizona cho thấy, khi tính đến chi phí sinh hoạt, giáo viên tiểu học ở Arizona được trả lương thấp nhất cả nước. Giáo viên trung học xếp hạng thứ 49 trên 50 bang.
Năm 2017, thống đốc bang Ducey thông báo tăng 1% lương ít ỏi cho giáo viên. Trong bức thư ngỏ, Heath đánh giá đây là việc “trên cả xúc phạm nghề giáo”, “từ từ bóp cạn hơi thở” của những người yêu nghề như cô.
Số giáo viên Mỹ bỏ nghề đã tăng lên trong thập kỷ qua với tỷ lệ gấp đôi so với Canada hoặc Australia. Điều này khá dễ hiểu khi giáo viên ở xứ sở cờ hoa kiếm được ít hơn 30% so với những người tốt nghiệp đại học ngành nghề khác, theo Linda Darling-Hammond, chủ tịch Viện Chính sách Học tập.
Khi giáo viên bỏ nghề, các khu học chánh phải tìm cách lấp đầy chỗ trống. Thông thường, họ buộc phải thuê những người thiếu kinh nghiệm, thậm chí không có chứng chỉ giảng dạy. Điều đó không chỉ gây bất lợi cho học sinh mà còn cho cả đất nước.
“Nếu không có giáo viên giỏi, bạn không thể có một hệ thống giáo dục tốt. Trong thế kỷ 21, nếu hệ thống giáo dục không đủ tốt, xã hội và kinh tế không thể vững mạnh, bởi đó là nền tảng tri thức”, Linda nói thêm.
Hoài nghi về hứa hẹn của chính quyền
Cuối tháng 2, cuộc bãi công của giáo viên bang West Virginia bắt đầu. Hoạt động có tổ chức, hàng nghìn giáo viên đã giành thắng lợi sau 9 ngày với mức tăng 5% lương.
Giáo viên ở các bang khác đã dõi theo cuộc mở màn một cách sát sao. Tháng trước, 25 khu học chánh ở Kentucky buộc phải đóng cửa khi hàng nghìn giáo viên biểu tình tại tòa quốc hội bang nhằm đấu tranh cho cuộc cải tổ hệ thống hưu trí.
Giáo viên và người biểu tình ở bang Oklahoma cũng bắt đầu chiến dịch từ đầu tháng 4, kéo dài 9 ngày. Những bức ảnh về cơ sở vật chất tồi tàn và sách giáo khoa rách nát lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhằm gây sức ép về việc tăng ngân sách giáo dục.
Ở Arizona, giáo viên tổ chức diễu hành tại các trường học, mời cộng đồng địa phương tới trường để ủng hộ, đe dọa biểu tình trên toàn bang. Họ đòi tăng 20% lương giáo viên, trở lại mức tài trợ giáo dục năm 2008. Họ cũng yêu cầu xem xét phương án tăng lương hàng năm và không cắt giảm thuế cho đến khi lương giáo viên và chi tiêu giáo dục của bang đạt mức trung bình quốc gia.
Joe Thomas, chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Arizona, tổ chức gồm 20.000 giáo viên và nhân viên giáo dục, nói rằng những đòi hỏi này nghe có vẻ phi lý nhưng không hề quá đáng. “Nếu được tăng 20%, lương chúng tôi vẫn ở dưới mức lương trung bình quốc gia. Đó chính là lý do nhiều giáo viên đang bỏ nghề”, ông nói.
Một ngày sau khi giáo viên kéo đến phản kháng trước tòa quốc hội bang, thống đốc Ducey nói với các phóng viên rằng ông vẫn tiếp tục ủng hộ đề xuất tăng 1% lương trong năm nay, và 1% trong năm tới.
“Tôi muốn mọi người biết rằng tôi đứng về phía các giáo viên. Tôi muốn thấy các giáo viên được tăng lương”, Ducey cho biết.
Đề xuất của ông về ngân sách cho giáo dục là 400 triệu USD. Ông bổ sung rằng quỹ trả lương giáo viên đã tăng 9% kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2015. Ducey cũng phản biện lại nghiên cứu của Đại học bang Arizona về thứ hạng 49 của lương giáo viên trong bang, dẫn chứng rằng thống kê của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cho thấy họ đứng thứ 43.
“Tôi không khoác lác gì về thứ hạng 43. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta không xếp chót”, ông nói.
Những người ủng hộ giáo viên sau đó đã gửi một bức thư đến Ducey và những nhà lập pháp của bang, yêu cầu đàm phán về nhu cầu của họ và ngân sách đề xuất của thống đốc. Nếu không thể đạt được thỏa thuận, các giáo viên sẵn sàng khởi động cuộc biểu tình trên toàn bang.
Tờ Vox thông tin, đến ngày 13/4, để xoa dịu tình hình, Doug Ducey hứa sẽ thực hiện mức tăng 20% mà giáo viên yêu cầu, gồm 10% vào năm tới và 10% trong năm tiếp theo. Ông cũng hứa khôi phục khoản tài trợ giáo dục trị giá 1 tỷ USD đã bị cắt giảm kể từ sau cuộc suy thoái. "Những người chiến thắng hôm nay là giáo viên của bang Arizona", Ducey cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ năm.
Ducey chỉ bỏ ngỏ một chi tiết quan trọng, đó là ngân sách sẽ lấy từ đâu. Các nhà lập pháp của bang sẽ phải làm việc cuối tuần này để tìm phương án giải quyết. Giáo viên Arizona vẫn đang trong trạng thái hoài nghi về hứa hẹn của chính quyền.
Nhìn thấy những đồng nghiệp của mình lên tiếng đòi quyền lợi khiến Heath phấn chấn. Nhưng khi tương lai cho nghề giáo còn mờ mịt, cô quyết tâm bỏ việc và sẽ không trở lại. Dù thế nào, cô cũng luôn có hóa đơn cần phải thanh toán.
“Tôi muốn một công việc mà mình không phải nơm nớp sợ hãi về tình hình tài chính”, Heath nhấn mạnh.
Ngày cuối cùng ở trường của cô giáo Heath sẽ là 30/5. Cô đang xem xét nghề nghiệp kế tiếp, có thể thuộc lĩnh vực quảng cáo bất động sản hoặc một vị trí trong công ty công nghệ về giáo dục.
Năm tới, Heath không còn những bài giảng phải soạn, không còn những bài kiểm tra để chấm điểm, không có những thanh thiếu niên chờ đợi sự hướng dẫn và hỗ trợ từ cô. Câu trả lời của Heath cho đề tiểu luận mà cô từng giao cho học sinh “Tôi là ai?”, sẽ thay đổi như thế nào? “Tôi hy vọng đến lúc đó mình sẽ có câu trả lời”, cô nói.