Nga sở hữu nhiều hệ thống tên lửa phòng không uy lực, đủ sức bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên nếu chúng đe dọa lãnh thổ nước này.

 Tên lửa S-300P Nga diễn tập bắn đạn thật

Triều Tiên hôm 14/5 bất ngờ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Quả đạn đạt độ cao 2.111 km và tầm xa 787 km, sau đó rơi xuống biển cách vùng Vladivostok, Nga khoảng 96 km về phía nam. Trong trường hợp tên lửa Triều Tiên bay lạc và đe dọa lãnh thổ Nga, nước này có một loạt hệ thống tên lửa phòng không uy lực đủ sức ngăn chặn hiểm họa, theoWATM.

S-300P

Được biên chế từ năm 1978, đây là hệ thống cũ nhất trong lưới phòng không Nga, nhưng vẫn đủ sức bắn hạ tên lửa đạn đạo. Tương tự hệ thống Patriot của Mỹ, ban đầu S-300P được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược của đối phương. Sau này, các hệ thống S-300P được nâng cấp để đối phó mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Hệ thống S-300P được xuất khẩu sang nhiều nước, có tầm bắn tối đa 90 km. Biến thể hải quân S-300F "Fort" được tích hợp cho các tàu tuần dương Đề án 1144 "Orlan" (lớp Kirov) và Đề án 1164 Atland (lớp Slava).

S-300V 'Antey-300'

S-300V là biến thể tên lửa phòng không tầm xa dành cho lục quân Nga, đi vào biên chế từ năm 1984. Khác với phiên bản S-300P, mẫu S-300V thiên về đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật như MGM-52 Lance của Mỹ, nhằm bảo vệ các đơn vị lục quân cơ động trên chiến trường.

 Tổ hợp S-300V tối ưu cho việc đánh chặn tên lửa đạn đạo

Hệ thống S-300V sử dụng hai loại đạn khác nhau, gồm 9M82 với tầm bắn 100 km và 9M83 có tầm bắn 75 km. Tuy tầm bắn nhỏ hơn S-300P, phiên bản S-300V lại đủ khả năng đánh chặn mục tiêu đạn đạo ở độ cao lớn và vận tốc cao.

S-300PMU-1/2

Đây là phiên bản nâng cấp của hệ thống S-300P, sử dụng đạn tên lửa 48N6 với tầm bắn 150 km, bổ sung phương thức bám bắt thông qua tên lửa (TVM) và sử dụng radar điều khiển hỏa lực 30N6 hoàn toàn mới. Khả năng đánh chặn của S-300PMU-1/2 cũng được mở rộng, đủ sức tiêu diệt nhiều loại tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Phiên bản S-300PMU-2 "Favorit" được giới thiệu vào năm 1997, trang bị tên lửa 48N6E2 với tầm bắn tới 195 km. Nó không chỉ đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn đủ sức tiêu diệt nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung.

S-400 'Triumf'

S-400 thường được so sánh với Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Tuy nhiên, khác với THAAD, S-400 có thể bắn hạ nhiều loại mục tiêu, từ máy bay và tên lửa hành trình cho tới tên lửa đạn đạo tầm trung.

 Hệ thống S-400 triển khai chiến đấu

Hệ thống này được trang bị tên lửa 40N6 với tầm bắn tối đa đến 400 km, hoặc dòng 9M96E1/E2 có tầm bắn tối đa 120 km nhưng khả năng cơ động cao hơn hẳn. S-400 được cho là có thể đánh chặn mục tiêu bay với tốc độ tới 17.280 km/h.

S-300VM 'Antey-2500'

Antey-2500 là bản nâng cấp sâu từ hệ thống S-300V, được Nga biên chế từ năm 2013. Hệ thống này sử dụng đạn 9M82M và 9M83M, với tầm bắn lần lượt là 400 km và 150 km. Các tên lửa của S-300V4 có tốc độ tới 9.000 km/h, gấp 7,5 lần tốc độ âm thanh, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo bay nhanh và quỹ đạo phức tạp.

Việc sở hữu hàng loạt hệ thống phòng không uy lực giúp Nga có nhiều lựa chọn trong việc bắn hạ tên lửa đạn đạo bay lạc của Triều Tiên. Tuy nhiên, việc Nga sẵn sàng xuất khẩu các hệ thống này có thể đe dọa chính tên lửa đạn đạo Mỹ trong tương lai, chuyên gia quân sự Harold C. Hutchison nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN