Giữa tháng 6, dự thảo Luật biển Việt Nam sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua cùng với nhiều dự luật quan trọng như: Luật phòng, chống rửa tiền, Luật giáo dục đại học, Luật xử lý vi phạm hành chính...
Sáng 27/3, Thường vụ Quốc hội họp bàn về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13 (dự kiến khai mạc ngày 21/5 và bế mạc 22/6).
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, trong 24 ngày làm việc liên tục, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách đầu tư năm 2012, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết kiến nghị của cử tri...
Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét, thông qua 13 dự luật, trong đó có Luật phòng, chống rửa tiền, Luật giáo dục đại học, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật lao động sửa đổi và Luật biển Việt Nam..., và cho ý kiến 7 dự án như Luật dự trữ quốc gia, Luật xuất bản, Luật luật sư, Luật điện lực...
Theo dự kiến chương trình, ngày 31/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo của Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật biển Việt Nam, sau đó các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường. Một ngày trước phiên bế mạc, hôm 21/6, dự thảo Luật biển Việt Nam sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua cùng với 4 dự luật khác.
Dự luật biển Việt Nam được đưa vào chương trình chính thức của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 (2007-2011), tuy nhiên đã nhiều lần bị rút khỏi chương trình nghị sự. Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông, nhiều học giả cho rằng cần nhanh chóng ban hành Luật biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải.