(Baonghean.vn) - Nếu thắng Hải Phòng lượt trận vừa rồi thì FLC Thanh Hóa sẽ lập kỷ lục tiền thưởng 1 trận thắng tại V-League 2016 với con số 1 tỷ đồng, phá kỷ lục Sài Gòn FC nhận 900 triệu đồng sau trận thắng SHB. Đà Nẵng.
Tiền thưởng là một trong những chuyện bi hài nhất của V-League từ nhiều năm nay. Nhớ lại, sau vài trận thắng đầu mùa có người khẳng định “SLNA đá hay nhờ được thưởng vượt khung” với những phân tích kiểu tiền thưởng là doping sân cỏ. Thực ra, nó chỉ đúng một phần nào đó mà thôi, bởi với V-League tiền thưởng là câu chuyện lắt léo, quanh co…không ít đội chỉ nhận “thưởng hơi”.
Thưởng thắng
Hiện nay, ít hay nhiều thôi chứ hầu như đội nào cũng thưởng cho cầu thủ khi thắng trận. Hẻo nhất phải kế đến bầu Đức, vốn bày tỏ quan điểm nhận lương là cầu thủ phải đá hết mình, có kết quả cuối mùa mới tính đến thưởng. Còn Đồng Tháp vì quá khó khăn kinh phí, nghe đâu cứ 65 triệu đồng cho 1 điểm dành được, vị chi một trận thắng không quá 200 triệu đồng.
Chưa kể, cầu thủ còn bị “nợ thưởng” ba tháng sau lúc đoạt chức vô địch Giải bóng đá hạng nhất quốc gia Kienlong Bank 2014 cầu thủ Đồng Tháp vẫn chưa được nhận tiền thưởng! Ông chủ FLC Thanh Hóa với tham vọng vô địch V-League 2016 nên được coi là hào phóng vào loạt nhất nhì. Mỗi khi giành chiến thắng, đội bóng này sẽ được Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa Doãn Văn Phươngkhoảng 600 triệu đồng/trận. SLNA mùa này nếu thắng sân khách thì con số thưởng là 500 triệu đồng/trận, sân nhà 300 triệu đồng/trận, thuộc dạng trung bình khá.
Số tiền có quy định thế nhưng khi cao hứng, tùy vào tính chất quan trọng của trận đấu, đôi khi lại theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Mới đây bầu Đông của Sài Gòn FC, sau khi thắng FLC Thanh Hóa cũng móc hầu bao thưởng gấp đôi, lên đến 600 triệu đồng, trước đó khi thắng SHB Đà Nẵng thì con số thưởng đã lên đến 900 triệu đồng. Nhà tài trợ Bắc Á cũng “phiêu” khi chứng kiến SLNA vật ngã B.Bình Dương sau chuỗi bết bát nên thưởng vượt khung 700 triệu đồng. Năm ngoái, trước trận đấu quan trọng của mùa giải B.Bình Dương cũng đã treo 2 tỷ đồng tiền thưởng cho một trận thắng, phía FLC Thanh Hóa ít hơn nhưng cũng đã 1 tỷ đồng. Tiền thưởng của CLB bây giờ cũng là một thông số quan trọng để các cầu thủ chọn lựa để đầu quân.
Bóng đá nước ngoài cũng có tiền thưởng, thường thì treo thành tích cho cả BHL và cầu thủ vào kết quả mùa giải, tất nhiên giá trị thường thấp hơn lương. Về nguyên tắc, khi đã nhận lương tháng thì cầu thủ, BHL phải đá sao đạt thành tích tốt nhất chứ không chờ treo thưởng mới đá nhiệt tình.Ở Việt Nam, các ông bầu lại thưởng chả theo một quy luật nào, có khi một trận đấu cầu thủ đá chính được chia thưởng cao hơn vài tháng lương. Tiền thưởng cho cầu thủ cả mùa bóng cao hơn nhiều tiền thưởng đội vô địch, nên chuyện ngóng thưởng để đá là có.
Thưởng để…gió cuốn đi
Năm 2011, SLNA vô địch V-League và được thưởng 3 tỷ đồng, trong khi giải thưởng “chống xuống hạng” lên đến 10 tỷ đồng. Năm đó, Vicem Hải Phòng viết nên câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Khi đó Hải Phòng cũng đứng trước nguy cơ rớt hạng đứng thứ 13/14, họ thành lập cả một “Ban chống xuống hạng” và “ấn” vào cái ban ấy 10 tỷ đồng nhằm “thưởng” cho đội bóng trong 4 vòng đấu cuối mùa.
Trước vòng 23, họ thua 3 trận liên tiếp, tinh thần xuống dốc và HLV Vương Tiến Dũng bị sa thải. Vòng 23, Hải Phòng thắng Hòa Phát Hà Nội 2-1, trận đấu mà lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát giận tím tái vì cho rằng trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép họ, sau đó hạ tiếp Becamex Bình Dương 1-0, trận này tay còi Nguyễn Văn Quyết không cho Bình Dương hưởng quả 11m mười mươi ở những phút cuối trận khiến đội này thua Hải Phòng ngay tại Thủ Dầu Một.
Cùng giành 30 điểm như Đồng Tâm Long An nhưng Hải Phòng hơn ở thành tích đối đầu. Năm đó, 2 ông trọng tài điều khiển những trận đấu này đều bị “đuổi vĩnh viễn” vì những tiếng còi theo kiểu đè ngửa đối thủ của Hải Phòng ra ép. Ngoài lề, giới trọng tài nói với nhau đấy là trường hợp “về hưu một cục”.
Đem chuyện hỏi cầu thủ Vicem Hải Phòng, anh em nhận được mấy trăm triệu trong số 10 tỷ đồng tiền thưởng kỷ lục “vô tiền, hậu khoáng” ấy, chỉ nhận được tiếng cười trừ. Chả hiểu tiền thưởng có liên quan gì đến sự tố giác của ông Nguyễn Thành Vinh, HLV của Hòa Phát dành cho các trọng tài hay không, chỉ biết đó là vết nhơ bóng đá Việt Nam và tập đoàn Hòa Phát bỏ cuộc trong tức tưởi.
V-League là một sân chơi đầy cám dỗ. Tiền thưởng cho sự nỗ lực của một đội bóng là điều nên làm, cần làm nhưng rõ ràng cái cách mà các ông bầu đang cao hứng trên khán đài không hề làm cho sân cỏ có nhiều pha bóng hay, đẹp mắt. Đã bao người bỏ cuộc chơi, vì những cách thưởng chả giống ai như vậy!
N@T