(Baonghean) - Luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Nghệ An đã thực sự tác động tích cực, tạo chuyển biến mới rõ nét trong quản lý, điều hành, chỉnh đốn mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc, tạo động lực đột phá trong phong trào chung của các địa phương.
Đây cũng là tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch cán bộ theo hướng chuẩn hóa cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực thực tiễn.
» Tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài theo Nghị quyết 11-NQ/TW
Trau dồi năng lực thực tiễn
Nói về những trải nghiệm thực tế ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cho hay: Cái “được” lớn nhất của cán bộ luân chuyển là trau dồi khả năng bao quát toàn diện; kinh nghiệm quản lý, điều hành, giải quyết vấn đề phát sinh ở cơ sở.
Đối với đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Kỳ được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú thì “chính sự va chạm với thực tiễn đã giúp cán bộ luân chuyển có thêm những kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống bởi làm ở huyện thì theo chuyên môn hẹp nhưng sâu, còn làm ở xã thì đòi hỏi phải bao quát, sâu sát hết mọi công việc”.
Còn đối với nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Chương Nguyễn Thị Mai Phương, khi nhận quyết định điều động về giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Thanh Dương đã xác định “đây là cơ hội để bản thân học hỏi, đúc rút thêm kinh nghiệm thực tiễn, góp sức đưa phong trào chung của địa phương đi lên”.
Vì vậy, việc đầu tiên tân Bí thư Đảng ủy xã Thanh Dương bắt tay vào làm là rà soát các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, đề án của các cấp đang triển khai, trên cơ sở đó giao cho từng bộ phận phụ trách kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đề ra các giải pháp cụ thể để đưa các nghị quyết, đề án đi vào cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Dương chia sẻ: Mặc dù mới chuyển về địa phương một thời gian ngắn (từ tháng 3/2017), nhưng tinh thần trách nhiệm với công việc; đặc biệt là tinh thần vượt khó học hỏi thực tiễn, tác phong công tác nghiêm túc của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã giúp cán bộ cơ sở tiếp cận tốt phong cách làm việc mới đầy hiệu quả”.
Qua trao đổi, lãnh đạo cấp ủy các địa phương, cả nơi đón nhận và nơi có cán bộ được điều động luân chuyển đều cho rằng: Thực hiện công tác luân chuyển đã tạo động lực mới cho cán bộ thể hiện tư duy, năng lực, sở trường, sự sáng tạo; đồng thời đào tạo, thử thách hoàn thiện cán bộ từ chuyên sâu đến toàn diện (cán bộ huyện phụ trách 1 lĩnh vực luân chuyển về làm Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND xã) và từ toàn diện đến đến chuyên sâu (cán bộ chủ chốt cấp xã luân chuyển lên các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện). Nhiều người sau khi hoàn thành công việc trở về được bố trí công tác ở cương vị cao hơn trước khi luân chuyển.
Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín
Thực tế cũng cho thấy, thông qua thực hiện luân chuyển cán bộ đã khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ, cát cứ, ê kíp ở một số cơ sở, lĩnh vực. Các cơ quan, ngành và cơ sở có người luân chuyển đến dần cởi mở hơn và nhận thức rõ việc đón nhận cán bộ luân chuyển có ý nghĩa tăng cường, giúp cho đơn vị, địa phương mình có sự khởi sắc, chuyển động tích cực trên các lĩnh vực, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Từ thực tiễn cơ sở, các đồng chí Lang Văn Xuân, Lữ Văn May là các Trưởng ban Tổ chức của Huyện ủy Quỳ Châu và Huyện ủy Tương Dương đều cho rằng: Công tác luân chuyển cán bộ đã giúp cấp ủy thực hiện tốt hơn công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Đồng thời, tạo môi trường giúp cán bộ tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn, từng bước trưởng thành, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn.
Về phía đội ngũ cán bộ cơ sở cũng có thể học hỏi được ở chính những cán bộ luân chuyển tác phong, lề lối, tinh thần, trách nhiệm làm việc, hạn chế được sự nể nang, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính và các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn…
Đối với những cán bộ chủ chốt cấp xã, việc được luân chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác giúp họ “thoát” khỏi môi trường công tác đang nảy sinh tính chủ quan như bởi “địa bàn quê”, “cộng sự quen” từ đó tránh được sức ỳ, sự trì trệ trong điều hành, lãnh đạo.
“Khi luân chuyển đến địa bàn mới sẽ tạo động lực cho cán bộ cơ sở phát huy cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phấn đấu vươn lên, khắc phục tâm lý chủ quan, thỏa mãn khi ở lâu năm cùng một địa bàn, một vị trí” - đồng chí Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn ( Đô Lương) chia sẻ đánh giá.
Thúc đẩy phong trào cơ sở
Qua thực hiện luân chuyển, cho thấy phần lớn các cán bộ được luân chuyển về địa phương nhất là các địa bàn khó khăn, phức tạp đều đã khẳng định tinh thần, trách nhiệm, năng lực bản thân bằng việc giúp địa phương có sự chuyển động trên các lĩnh vực.
Như tại huyện Kỳ Sơn, cán bộ huyện luân chuyển về các địa bàn khó khăn như Mường Lống, Phà Đánh, Bảo Nam, Hữu Kiệm, Bắc Lý... đã giúp địa phương khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, chủ động tìm hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lượng - nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn, là 1 trong 5 cán bộ huyện được luân chuyển về xã ngay trong đợt đầu. Giữ vị trí mới là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm là địa bàn gồm 9 thôn bản chủ yếu là đồng bào Thái, Khơ mú, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc đầu tiên tân Chủ tịch UBND xã thực hiện là phân chia thời gian hợp lý để vừa xuống nắm bắt tình hình cơ sở, vừa tìm hiểu đặc thù công việc, cách thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Từ đó tham mưu giúp địa phương kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, phân công rõ người, rõ việc trên cơ sở năng lực, sở trường đào tạo của từng người; giao trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức phải tích cực bám địa bàn, kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong lề lối làm việc, ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn.
Trên lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Hữu Lượng đã chỉ đạo gây dựng các mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương như: Mô hình rau sạch tại Khe Nhinh; mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại bản Na Lượng 2; mô hình trồng nấm tại bản Na Chảo; mô hình trồng lúa thơm Na Loi vụ xuân; mô hình trồng lúa chất lượng cao Thiên ưu 8 vụ mùa…
Cũng tại huyện Kỳ Sơn, đồng chí Trần Quốc Đồng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh - địa bàn khó khăn hơn nhiều so với xã Hữu Kiệm. Xác định muốn thay đổi tư duy “ngại khó, ngại khổ” của đồng bào ở đây, trước hết phải thay đổi tư duy của cán bộ, đảng viên, đồng chí Trần Quốc Đồng đã phát động cán bộ, công chức UBND xã gương mẫu thực hiện những việc làm cụ thể để bà con làm theo như phát triển mô hình trồng gừng trong khuôn viên trụ sở xã, mô hình chè 100 gốc do Hội Nông dân phụ trách, mô hình trồng rau sạch do Hội Phụ nữ đảm nhận…
Tân Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh còn giúp địa phương tháo gỡ nhiều vấn đề như xây dựng bể nước sinh hoạt cho cán bộ công chức, đề xuất làm tuyến đường bị sạt lở cho người dân bản Huồi Nhúc; động thổ cụm trường mầm non Huồi Nhúc, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng bản Xắn…
Theo đồng chí Trần Quốc Đồng, “để tạo được lòng tin với dân và sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong nội bộ bên cạnh tăng cường bám cơ sở, đưa địa phương đi lên về mọi mặt, thì cán bộ luân chuyển phải thực sự gương mẫu, thực sự nói đi đôi với làm”…
Tại huyện Tương Dương, những địa bàn có cán bộ huyện điều động, luân chuyển về đều có sự chuyển động, bứt phá phát triển. Tại xã Thạch Giám, để hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tốc độ về đích nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động đồng chí Mạc Văn Nguyên - nguyên Ủy viên Thường trực HĐND huyện ủy về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND.
Sau khi tạo cú hích giúp địa phương bứt phá về đích nông thôn mới thành công, đồng chí Mạc Văn Nguyên được rút về và bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Huyện ủy.
Huyện tiếp tục điều động đồng chí Vang Hồng Chuyên - Phó phòng Dân tộc UBND huyện về làm Chủ tịch UBND xã Thạch Giám. Nhiệm vụ của đồng chí Vang Hồng Chuyên không chỉ là giúp địa phương giữ vững các tiêu chí của xã điểm nông thôn mới, mà còn phải tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Với phương châm “mạnh từ thôn bản”, đồng chí Vang Hồng Chuyên đã chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cấp ủy chi bộ, ban quản lý thôn bản, mạnh dạn bố trí những người trẻ, có năng lực, nhiệt huyết, năng động vào bộ máy thôn bản.
Hiện nay, cả 9/9 bản của xã Thạch Giám đều cơ cấu phó bí thư chi bộ là trưởng bản; 9/9 bản xây dựng được hương ước với những điều, khoản cụ thể như không thách cưới, không truyền đạo trái pháp luật, cấm thả rông gia súc, gia cầm, đánh bạc và chứa chấp đánh bạc, quy định xử phạt trộm cắp vặt (sản phẩm nông lâm nghiệp)… được người dân chấp hành nghiêm túc.
“Khi làm việc ở cơ sở đòi hỏi cán bộ phải sát sao, trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, đối thoại với dân, chỉ đạo hướng giải quyết nếu chỉ ngồi một chỗ nghe báo cáo thì rất khó nắm bắt những vấn đề phát sinh trên địa bàn”- đồng chí Vang Hồng Chuyên chia sẻ.
Trao đổi của đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho hay: Nhìn chung cán bộ luân chuyển đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và có những cách làm sáng tạo góp phần đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, từ đó tạo bước phát triển kinh tế - xã hội tích cực ở các địa phương...
(Còn nữa)
Nhóm P.V