(Baonghean) - Belarus mới đây đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quân sự với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, nước này cũng đang chuẩn bị để đi đến ký kết một thỏa thuận về các lực lượng đặc nhiệm với Điện Kremlin. Vậy đâu là con đường mà Minsk đang chọn lựa?
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Andrei Ravkov gần đây đã đặt bút ký thỏa thuận hợp tác quân sự song phương tại Riga với thành viên NATO là Latvia. Belarus cũng ký các hiệp định tương tự với Ba Lan và Mỹ hồi tháng 10, và cũng đã ký một văn kiện như vậy với Litva vào tháng 12/2015.
Nhà khoa học chính trị Belarus Roman Jakovlevski nêu nhận định rằng, việc hợp tác quân sự giữa Minsk và NATO là điều đáng hoan nghênh. Lý giải cho điều này, ông quả quyết những hiệp định ký với Latvia, Litva và Ba Lan - những quốc gia vừa là thành viên của Liên minh châu Âu, vừa nằm trong khối NATO - có tầm quan trọng đặc biệt đối với Minsk, nhất là khi đặt trong bối cảnh thực tế là các nước trên có chung đường biên giới dài khoảng 1.250 km với Belarus.
Cũng theo Jakovlevski, Minsk đã là thành viên của chương trình “Đối tác vì hòa bình” (PfP) của NATO kể từ năm 1995. Hơn nữa, hàng hóa phi quân sự gửi tới Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) cũng đã được vận chuyển qua lãnh thổ Belarus từ năm 2011.
Belarus còn hợp tác với NATO trong chương trình trao đổi học viên sỹ quan, cùng duyệt các đơn vị quân đội, và giám sát các cuộc tập trận. Xét cho cùng, lính Belarus cũng tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình trong trường hợp có yêu cầu từ phía Liên Hợp quốc.
Thỏa thuận quân sự với Nga
Những hiệp định hợp tác quân sự với các nước trong NATO có thể chỉ chứa đựng các nghĩa vụ theo thông lệ, nhưng trong thời điểm hiện nay, chúng vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt. Điều này chủ yếu là vì những căng thẳng phát sinh từ các hoạt động của Nga tại Ukraine và Syria, thứ nữa, đó là vì Minsk đang có quan hệ liên minh quân sự với Moskva, và Điện Kremlin ít nhiều cho rằng NATO đang đe dọa đến các lợi ích thiết thân của Nga.
Một số ý kiến nhìn nhận thỏa thuận hợp tác với NATO cũng không mâu thuẫn hay đi ngược lại hiệp định quân sự hiện có giữa Belarus với Nga. Theo hiệp định Minsk ký với Moskva, quân đội Belarus là một bộ phận không tách rời trong khối liên minh quân sự cấp khu vực với Nga.
Cụ thể, theo quan điểm nhà khoa học chính trị Jakovlevski, việc đi đến ký kết các văn kiện hợp tác với NATO không đồng nghĩa với việc Belarus đang “chuyển hướng” sang phương Tây. Ông nhận định: “Minsk sẽ không làm điều gì đi ngược lại lợi ích quân sự của Moskva”.
Đâu là mục tiêu của Minsk?
Theo Vytis Jurkonis, nhà khoa học chính trị tại Đại học Vilnius, Minsk luôn về phe với Điện Kremlin, tức bao gồm cả việc đánh giá, nhìn nhận các sự kiện ở Ukraine và Syria. Từ góc độ quan điểm cá nhân, ông cho rằng, từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, thái độ yêu chuộng hòa bình mà Belarus phát đi chính là một “chiến dịch quan hệ công chúng” mà qua đó Minsk muốn xây dựng hình ảnh là một bên trung lập.
Ban lãnh đạo Belarus muốn tiếp cận với nguồn tiền từ châu Âu, nhưng đồng thời cũng không muốn Moskva lo lắng khi họ quay sang phương Tây. Theo cách này, chính quyền tại Belarus đang cố gắng “lái” Điện Kremlin theo hướng có lợi cho mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Jurkonis cho rằng, Belarus không thể giữ quan điểm trung lập, bởi họ có 2 căn cứ quân sự của Nga đóng trên lãnh thổ, và cũng đang tiến hành tập trận với quân đội Nga gần biên giới với NATO.
Về phần Moskva, họ có đánh giá như thế nào về thỏa thuận hợp tác quân sự chính thức của Belarus với các nước NATO? Chắc chắn là họ khó có thể hài lòng với những nỗ lực như vậy của Belarus, song gần như Nga không có gì phải lo lắng trước thông tin này. Đây là điều dễ hiểu, bởi xét cho cùng, sức ảnh hưởng của Moskva với Minsk không hề nhỏ, không phải là thứ dễ gì thay đổi ngày một ngày hai.
Thỏa thuận đặc nhiệm với Điện Kremlin
Theo một sắc lệnh vừa được công bố hồi đầu tháng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ đạo Ủy ban An ninh Nhà nước (KGB) của Belarus đàm phán với phía Nga về một hiệp định cho phép triển khai lực lượng đặc nhiệm của cả 2 nước trong các chiến dịch chống khủng bố trên lãnh thổ của đối phương.
Với nhóm phản đối ý tưởng này, trong đó có cựu Chánh án Tòa án hiến pháp Belarus Mikhail Pastukhov, họ cho rằng đây là một sự vi hiến, bởi trách nhiệm bảo đảm luật pháp và trật tự trong nước là của chính Belarus chứ không phải ai khác.
Nếu thế, tại sao Minsk cần các lực lượng đặc nhiệm của Nga? Phải chăng đó là vì họ lo sợ rằng chiều hướng phát triển kém đi của nền kinh tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những sự việc tương tự như từng diễn ra ở Kiev, tức các cuộc biểu tình chống Chính phủ của đông đảo dân chúng? Trong trường hợp không mong đợi ấy, rõ ràng sự giúp đỡ, cứu viện của đặc nhiệm Nga là điều cần thiết đối với Tổng thống Lukashenko, để tránh xảy ra những hệ lụy ngoài dự đoán.
Phú Bình
(Theo DW)