(Baonghean) - Các xã Yên Tĩnh, Châu Hội - những vùng phải hứng chịu thiên tai trong đợt mưa lớn vừa qua đều thuộc các địa bàn khó khăn. Những địa bàn được gọi tên một cách ngắn gọn là “xã 135” này chủ yếu là cộng đồng người Thái, cuộc sống nương nhờ vào rừng núi. Cây măng, cây nứa, một ít ruộng nước là nguồn sống chính của bà con

“Yên Tĩnh tan hoang hết rồi. Cơn lũ này đúng là dữ chưa từng thấy!” - Tiếng chuông điện thoại kéo tôi khỏi chăn lúc năm rưỡi sáng ngày 14/9.

Giọng nói có vẻ thảng thốt của anh bạn phóng viên khiến tôi tỉnh cơn ngái ngủ. Vậy là Yên Tĩnh, địa bàn tôi mới rời đi sau một chuyến tác nghiệp cách đây ít bữa đã lại dính lũ quét.

Lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng tại Trường THCS Yên Tĩnh rạng sáng ngày 14/9/2016.
Lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng tại Trường THCS Yên Tĩnh rạng sáng ngày 14/9/2016.

Cơn lũ cứ bất thần tràn đến trong đêm, hệt như một cuộc oanh tạc của thiên nhiên. Lớp học đầy bùn đất, đồ dùng, tư trang học sinh nát nhàu dưới sức tàn phá của lũ dữ. Cảnh tượng ở trường cấp hai xã Yên Tĩnh là đống đổ nát thực sự...

Cơn lũ quét bất ngờ khiến người dân Yên Tĩnh không kịp trở tay, nhiều người chỉ kịp chạy lên nơi an toàn, đứng nhìn nhà cửa, của cải bị cuốn trôi. Hầu hết các thôn bản trên địa bàn đều bị thiệt hại. Trường THCS, Tiểu học của xã Yên Tĩnh xây dựng gần suối nên hầu hết đồ dùng, vật dụng của thầy cô, học sinh đều bị cuốn trôi. Cũng may là hàng trăm em nhỏ đang cư ngụ, học hành trong nhà bán trú vẫn an toàn về nhân mạng.

Nhiều diện tích lúa bị ngập nặng qua đợt lũ. Ảnh: Ngô Phan

Những ngày qua, trên toàn huyện vùng cao Con Cuông hứng mưa tầm tã. Cơ quan chức năng sau đó có báo cáo lượng mưa đo được là 143mm. Đối với những bà mế bản Trung Đình (Chi Khê, Con Cuông) thì con số về lượng mưa đo được chẳng đáng sợ bằng thông tin phần lớn diện tích lúa mùa chuẩn bị gặt bị vùi lấp chỉ trong chốc lát.

Bà ngồi lặng bên mâm cơm, nhìn vào kho thóc rồi bấm đốt đếm. Còn những 7, 8 tháng nữa mới đến vụ lúa sau. Vụ mùa này coi như mất trắng. Thóc trong kho cùng với phần lúa còn có thể gặt được cùng lắm cũng chỉ đủ ăn đến hết năm. Để chờ vụ lúa sau, những ngày sau đó chồng con lại phải lo tiền mua gạo. Gia cảnh vậy là còn may hơn nhiều nhà đã ruộng ít lại còn mất trắng vì lũ.

Người dân bản Cặp Chạng (Yên Tĩnh - Tương Dương) chuyển đồ đi tránh lũ.

Chính quyền địa phương cũng rất nhanh chóng gọi người dân kê khai thiệt hại để báo cáo cấp trên. Mức thiệt hại của huyện Con Cuông lên trên 500 ha lúa và hoa màu, một ngôi nhà sập, hơn nghìn con gà, vịt bị cuốn trôi. Chẳng biết có được hỗ trợ hay không, nhanh hay chậm nhưng người dân cũng thấy ấm bụng khi được chính quyền quan tâm ngay tức thì, dù chỉ mới là việc gọi lên nhà văn hóa thôn bản kê khai thiệt hại. 

Bên phía Tây Bắc, anh Lữ Văn Phong ở bản Kẻ Tằn, xã Châu Hội (Quỳ Châu) nói giọng run run: “Lũ khiếp quá chú ơi. Những năm trước cũng có lũ quét nhưng chỉ ngập lúa. Năm nay nó cuốn trôi cả ruộng. Chẳng biết rồi đây cấy lúa vào đâu?”. Rồi anh cho hay quãng đường từ trung tâm xã Châu Hội vào bản Kẻ Tằn, cung đường mà ngày thường khô ráo “cuốc” cho đến khi vào được bản Kẻ Tằn đã là thử thách; giờ thì người bản vốn giải đi đường đèo cũng đành phải bỏ xe máy, đi tắt đồi ra trung tâm xã khi có việc cần. 

Trẻ em Châu Hội phơi sách vở sau lũ.

Các xã Yên Tĩnh, Châu Hội - những vùng phải hứng chịu thiên tai trong đợt mưa lớn vừa qua đều thuộc các địa bàn khó khăn. Những địa bàn được gọi tên một cách ngắn gọn là “xã 135” này chủ yếu là cộng đồng người Thái, cuộc sống nương nhờ vào rừng núi. Cây măng, cây nứa, một ít ruộng nước là nguồn sống chính của bà con. 

Tại nhiều xã tôi đi qua, đâu đâu cũng cảnh người dân và chính quyền hối hả chống lũ. Ở xã Yên Khê, trên con đường độc đạo vào đất Mường Quạ (Môn Sơn, Lục Dạ), lực lượng dân quân tự vệ đang đào mương khơi thông dòng chảy khỏi nước lũ phá đường. Tại những điểm xung yếu có khe suối đều có dân quân trực để ngăn người dân liều mình vượt suối. 

Ngày 14/9, áp Tết Trung thu quả là quãng thời gian bận rộn với các cấp ngành và người dân vùng lũ miền Tây. Thông tin về thiệt hại được liên tục cập nhật. Những dân bản trở về nhà sau một ngày cứu lúa với vẻ mặt âu lo.

Lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng tại trường THCS Yên Tĩnh rạng sáng ngày 14/9/2016.

Tối đến, trời có trăng báo hiệu một ngày Rằm thời tiết thuận lợi. Sáng hôm sau, đúng ngày Rằm chợt chạm mặt anh công an trẻ công tác tại Công an huyện Tương Dương, Lương Văn Mậu vận bộ quân phục chuẩn bị đi khắc phục lũ quét. Gặp nhau, chỉ kịp chào một tiếng, Mậu đã tức tốc cùng đồng đội lên xe: “Cháu vào vùng lũ đây chú ạ.” Thế mà tối đến đã lại thấy Mậu trở ra trung tâm huyện, mặt đen nhẻm, vẻ mệt mỏi nhưng vẫn cười vui vẻ: “Hôm nay lao động mệt mỏi nhưng giúp được bà con khá nhiều việc”.

Tôi biết, trong đợt lũ quét vừa qua, chính quyền và các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn huyện Tương Dương đã vào cuộc với nỗ lực cao để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân, để học sinh sớm trở lại trường.

Công an huyện Tương Dương giúp người dân Yên Tĩnh khắc phục hậu quả lũ quét.

Trong lúc ngoài kia, tiếng trống Trung thu đang rộn ràng các ngõ ngách của thị trấn vùng cao, Lương Văn Mậu ngồi thừ ra một lúc rồi tiếp lời: “Tội nghiệp cho các em học sinh. Không biết bao giờ thì việc học trở lại bình thường.” Có lẽ sau cơn giận và trò chơi khăm quái ác của mình, “ông trời” lại cho một đêm Rằm tạnh ráo. Vầng trăng thu điềm nhiên và bầy trẻ hò reo rước đèn.

Giữa niềm vui yên bình của bầy trẻ thị trấn vùng cao, tôi chợt nghĩ về những bản làng vừa qua lũ dữ. Mong sao, ở vùng rốn lũ Yên Tĩnh, Châu Hội, các em nhỏ cũng có được một đêm rằm sau những hoang tàn, đổ nát. Trẻ em ở vùng rốn lũ cần được sớm ổn định chốn ăn, chốn học.

Vi Phương

TIN LIÊN QUAN