(Baonghean) - Trong vài năm trở lại đây, khi cơ giới hóa được đẩy mạnh đưa vào sản xuất nông nghiệp, nhiều đối tượng côn đồ đã nhân cơ hội này để thu lợi bất chính bằng hình thức bảo kê máy gặt, khiến người dân và chủ máy gặt cứ đến vụ mùa lại lo lắng, bất an. 

Dân khốn đốn vì nạn bảo kê

Thời điểm này, người dân xã Hiến Sơn (Đô Lương) đang tiến hành thu hoạch vụ hè - thu. Ngay từ đầu mùa, các đối tượng bảo kê đã nhũng nhiễu, quấy phá. Các đối tượng này là Lê Văn Lý (SN 1985) và Nguyễn Quang Cảnh (SN 1993), không phải người ngoài mà lại chính là những người dân trên địa bàn xã Hiến Sơn.

Khi lúa bắt đầu chín, Lý và Cảnh đưa máy gặt liên hoàn về với mục đích sẽ thầu gặt toàn bộ cánh đồng xã Hiến Sơn. Những chủ máy gặt từ vùng khác đến nếu muốn gặt trên địa bàn phải ký vào bản hợp đồng do chúng soạn sẵn, chủ máy phải nộp 30.000 đồng/sào, bằng không chúng sẽ đe dọa, đập phá, không cho làm ăn. Với quá khứ bất hảo từng vào tù ra tội của Lý và Cảnh, các chủ máy gặt đành nhắm mắt cho qua. 

1505727017279.jpgThu hoạch lúa bằng máy gặt. Ảnh minh họa

Không những thế, người dân không thuê máy gặt mà chúng đã bảo kê cũng phải “đóng thuế” hết sức vô lý. Bà Nguyễn Thị Hậu, người dân xã Hiến Sơn bức xúc: “Ruộng của mình, lúa của mình nhưng không thuê máy gặt của bọn chúng thì phải ký hợp đồng trả tiền. Nếu không tuân theo, chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa. Tức lắm nhưng lại sốt ruột lúa hỏng nên cũng phải nhẫn nhịn…”. 

Cũng với phương thức như vậy, 3 đối tượng trên địa bàn huyện Thanh Chương là Trần Đình Hùng (SN 1992), Trần Quốc Đạt (SN 1995) và Nguyễn Cảnh Tú (SN 2000) cấu kết với nhau, lập thành nhóm chuyên bảo kê máy gặt. Hễ có chủ máy gặt nào từ nơi khác đến làm thuê cho dân là chúng ép phải nộp tiền bằng được. Nhiều người dân cho biết, không chỉ đánh đập, các đối tượng bảo kê còn dùng thủ đoạn rải thép ở ruộng lúa nhằm gây hư hỏng máy gặt nên các chủ máy không dám chống đối “lệnh” của chúng. 

Thậm chí, nếu chủ máy gặt qua mặt chúng, thu tiền gặt của người dân ở mức thấp hơn, chúng sẵn sàng dùng hành vi bạo lực. Trường hợp này từng xảy ra ở huyện Nghi Lộc hồi cuối tháng 5. Anh Cao Văn Sửu (trú tại huyện Diễn Châu) đưa máy gặt lúa tới cánh đồng ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc) để gặt lúa thuê thì đối tượng Võ Văn Hoàng - tên bảo kê có máu mặt trên địa bàn xuất hiện và yêu cầu anh Sửu nộp cho hắn 40.000 đồng/sào. Anh Sửu không đồng ý liền bị Hoàng đánh tới tấp vào người.

Lo sợ mất mạng, anh Sửu đã phải đưa cho Hoàng 16 triệu đồng tiền bảo kê gặt lúa, 1 triệu đồng tiền "phạt" do khai báo không thành thật.

Chặn đứng nạn bảo kê

Những năm trước, huyện Yên Thành với diện tích trồng lúa lớn được xem là mảnh đất màu mỡ để kiếm ăn của nhiều đối tượng bảo kê. Nắm bắt được tình trạng này nên ngay từ đầu vụ đông xuân cho đến vụ hè thu năm nay, huyện Yên Thành đều có công văn chỉ đạo, quan tâm sát sao đến vấn đề đảm bảo an ninh trong thu hoạch lúa. Theo đó, UBND huyện giao nhiệm vụ chủ đạo cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức ký hợp đồng với các chủ máy theo địa điểm thu hoạch cụ thể, đưa ra giá cả phù hợp, không để các đối tượng bảo kê có cơ hội làm ăn. 

3 đối tượng bảo kê bị bắt giữ tại Công an huyện Thanh Chương. Ảnh: C.T.V

Tại xã Bắc Thành, vụ hè thu năm nay toàn xã có 280 ha lúa đến kỳ thu hoạch. Hợp tác xã nông nghiệp Bắc Thành đã hợp đồng với 7 chủ máy gặt từ Nam Định, Thái Bình và một số huyện khác trong tỉnh về thu hoạch lúa cho bà con trong xã.

Theo hợp đồng, trước khi đưa máy vào địa bàn hoạt động, chủ máy đóng phí 500.000 đồng cho HTX để sửa sang cầu cống, đường nội đồng sau thu hoạch và đóng tiền cọc 1 triệu đồng/máy (sau khi thu hoạch xong, HTX trả lại tiền đặt cọc cho chủ máy).

Chủ máy có trách nhiệm thu hoạch toàn bộ diện tích lúa của bà con; giá gặt lúa được thống nhất 150.000 đồng/sào ruộng cạn, 160.000 đồng/sào ruộng sâu. Đối với HTX, sẽ phối hợp với lực lượng công an bảo đảm tối đa an ninh trật tự để các chủ máy gặt yên tâm thu hoạch lúa.

Huyện Yên Thành hiện có 47 HTX nông nghiệp của 38 xã, thị trấn. Việc phát huy vai trò của HTX để chấm dứt nạn bảo kê được Yên Thành coi là giải pháp tối ưu cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch huyện Yên Thành cho rằng: “Không phải HTX nào trên địa bàn huyện cũng phát huy được vai trò này. Nhiều HTX chưa đủ mạnh trên tất cả các phương diện để làm được chức năng dịch vụ nên người dân vẫn nhờ đến “cò” để gọi máy về rồi trích tiền hoa hồng cho chúng, khiến các đối tượng bảo kê có cơ hội làm ăn”. 

Tính từ thời điểm tháng 6/2017 đến nay, Công an Nghệ An đã làm rõ 3 vụ bảo kê máy gặt, bắt giữ 6 đối tượng. Để đảm bảo ANTT trên các địa bàn và ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thường xuyên bám địa bàn cơ sở, phối hợp cùng công an xã, thị trấn chủ động nắm tình hình, tiếp tục xác minh, khẩn trương làm rõ các ổ nhóm, đối tượng đã hoạt động bảo kê để đấu tranh bắt giữ, kiên quyết không để loại tội phạm này lộng hành.  

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đang tiến hành rà soát, lên danh sách những ổ nhóm, đối tượng có khả năng, biểu hiện nghi vấn hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản để đưa vào diện quản lý, đồng thời có biện pháp răn đe để các đối tượng không có ý định phạm tội. 

TS.LS Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự:  “Các đối tượng có hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 135, Bộ luật Hình sự năm 1999, Sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Tùy vào mức độ, hành vi sẽ có mức xử phạt khác nhau. Thậm chí, trong trường hợp có nhiều đối tượng cấu kết với nhau để thực hiện hành vi còn bị xét đến yếu tố “phạm tội có tổ chức”.


Phương Thảo - Quỳnh Trang

TIN LIÊN QUAN