(Baonghean) - Từ việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế như Chương trình 135, 30a, Dự án VIE028… đồng bào huyện Tương Dương có điều kiện tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới. Một trong những mô hình đó là 2 ha trồng ớt cay ở bản Na Tổng, xã Tam Thái được thực hiện trong năm 2014. Chị Cao Thị Thân ở bản Na Tổng cho biết: “Vùng đất này trước đây được xã quy hoạch trồng rau, tuy nhiên mùa hè nắng nóng trồng rau không hiệu quả. Theo chỉ đạo của Trạm Khuyến nông huyện chuyển sang trồng ớt cay xuân hè. Gia đình tôi gieo trồng 2 sào ớt cay từ tháng 4 đến tháng 7 đã cho thu hoạch. Nhiều hộ đạt thu nhập cao như hộ Lô Thắng, trồng 2 sào đạt 10,5 triệu đồng, hộ Thanh Ngân, trồng 2 sào đạt 11 triệu đồng…”. 

Chị Nguyễn Thị Bình - Trưởng Trạm Khuyến nông cho biết: Mô hình trồng ớt cay 2 ha có 14 hộ tham gia, vụ đầu tiên được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi. Ngay từ đầu vụ, theo chỉ đạo của UBND huyện, Trạm Khuyến nông đã hỗ trợ nông dân giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Thực tế, cây ớt cay khá dễ trồng, cán bộ trạm khuyến cáo bà con cần tập trung làm đất kỹ càng, tơi xốp, bón phân, tỉa nhánh theo quy trình sẽ cho hiệu quả cao. Để chủ động về đầu ra, trạm đã phối hợp với xã tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ớt cay cho bà con. Khó khăn đặt ra hiện nay là nguồn nước tưới chưa có, chủ yếu phải tưới bằng nguồn nước sinh hoạt, nên rất hạn chế. 

Mô hình trồng rau do Chương trình 30a hỗ trợ ở xã Tam Quang (Tương Dương).

Bên cạnh đó, mô hình nuôi vịt bầu của Dự án VIE028, với mục đích khôi phục, nhân rộng giống vịt bầu địa phương trên địa bàn huyện Tương Dương đã giúp các hộ nghèo tăng thêm thu nhập, tạo niềm tin trong sản xuất, chăn nuôi. Ông Bùi Kim Nhâm ở bản Canh, xã Nga My cho hay: “Trong năm 2013, gia đình tôi nuôi 50 con vịt bầu do Dự án VIE028 hỗ trợ giống và 10 kg thức ăn hỗn hợp. Quá trình nuôi được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, nên tỷ lệ sống cao. Gia cảnh tôi khó khăn, con đông, mỗi năm thiếu ăn từ 3-4 tháng, tuy nhiên, từ khi nuôi được vịt bầu, hàng ngày gia đình đều có thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo”. 

Ông Lữ Khăm Phon - Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết thêm: Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi vịt bầu của ông Bùi Kim Nhâm, trong năm 2014, Dự án VIE028 tiếp tục hỗ trợ cho bản Canh (bản đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ nghèo chiếm trên 80%) 1.000 con vịt bầu giống cho 20 hộ nuôi. Xã khuyến khích bà con ngoài việc bán vịt thịt, cần lựa chọn vịt để nuôi đẻ, lấy giống nhân rộng mô hình. Điều kiện nuôi vịt bầu ở Nga My rất thuận lợi, xã có trên 100 ha ruộng nước, bao bọc xung quanh là nhiều khe suối, trong đó có 2 khe lớn là khe Ngân và khe Kho. Vốn đầu tư cho nuôi vịt là không lớn lắm. Mặc dù xã chỉ mới nuôi vịt theo quy mô của dự án hỗ trợ, nhưng đã có nhiều thương lái tìm đến đặt hàng. 

Trong 2 năm (2013 - 2014), toàn huyện Tương Dương có trên 50 mô hình phát triển kinh tế lồng ghép với các chương trình, dự án phát huy hiệu quả. Các mô hình cây trồng, vật nuôi đều được xây dựng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Như mô hình trồng 2 ha rau sạch ở Bãi Xa (Tam Quang), mô hình nuôi gà địa phương 600 con/67 hộ ở xã Nga My do Chương trình 30a hỗ trợ, mô hình nuôi lợn đen ở Thạch Giám, mô hình trồng cà chua ở Thị trấn Hòa Bình… Ngoài ra, toàn huyện có 292 mô hình nông nghiệp các loại; trong đó có 147 mô hình chăn nuôi, 133 mô hình trồng trọt, 7 mô hình trồng rừng, 5 mô hình nông - lâm kết hợp đạt kết quả tốt, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân. Đó là những bước khởi tạo ấn tượng để huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Văn Trường