(Baonghean) - Cứ tưởng sắm sanh tết nhất chỉ là chuyện của các bà, các chị, ai ngờ mấy ông anh của mình cũng lo lắng ra trò. Hôm nọ anh em ngồi cà phê buôn chuyện, một ông phàn nàn:
 
- Tết đến, việc trong nhà đã có vợ lo, còn mình phải giữ sức nghĩ ngợi vụ quà biếu. Cả một vấn đề nan giải chứ chẳng chơi! Quà của sếp ra sao, của đồng nghiệp như thế nào, tuỳ vào mức độ thân quen, kiểu quan hệ, sở thích của người nhận và quan trọng là khả năng kinh tế của mình. Ôi chao là đau đầu! Nghĩ ra quà gì đã đành, chọn mặt gửi vàng mua quà lại càng khó. Thời buổi bây giờ không có cái gì là người ta không làm giả được. Mình mua về dùng, chẳng may là đồ giả thì thôi chứ quà biếu mà là đồ giả thì mất tiền mất cả quan hệ.
 
Một ông khác phụ hoạ:
 
- Anh lo như thế là đúng. Hôm nọ em đi công tác miền núi, hí hửng mua được con lợn đen dân tộc về xả thịt chia cho mấy anh em trong nhà. Con lợn ở ngoài đen xì mà mổ ra toàn mỡ bèo nhèo. Hôm sau lên lại miền ngược, thắc mắc với mấy ông cán bộ địa phương thì được giải thích là mình mua phải lợn dưới xuôi "trá hình". Mình ngớ người ra: sao lợn dưới xuôi lại đen xì xì như thế? Hoá ra người ta nhuộm lông cho lợn! Đến thế mà cũng nghĩ ra được, bảo sao mình không bị lừa? May mình chưa mang con lợn đi biếu ai, chắc chẳng có cái lỗ nào mà chui xuống mất!
 
Cả hội nghe xong phá lên cười. Rượu giả, bánh kẹo giả thì quá bình thường rồi, nhưng lợn nhuộm lông "giả trang" thế này thì lần đầu tiên bọn mình mới nghe nói. Phải công nhận óc kinh doanh của các nhà "gian thương" ghê gớm thật, người tiêu dùng trốn đâu cho thoát? Nghĩ cũng thấy chạnh lòng.
 
Nhớ hồi đi học, Tết đến rủ nhau quà bánh xúng xính đi chúc Tết thầy cô. Khổ nỗi đi dọc đường đói quá, tặc lưỡi bóc ra ăn luôn, đến nhà cô chỉ còn mỗi cái vỏ mà bụng vẫn sôi òng ọc. Mang tiếng đi tặng quà nhưng kết quả là toàn ăn chực hết nhẵn cả nồi cơm nhà thầy cô. Ấy thế cơ mà vẫn vui, vẫn quý, cốt ở cái tâm, cái tình cảm cho nhau. Bây giờ văn hoá quà biếu phát triển lắm rồi, nhưng sao đôi khi thấy quà to mà tấm lòng thì bé lại. Hào nhoáng bên ngoài đấy, trong tâm sao cứ nguội lạnh, dửng dưng. Ngày xưa chỉ cần gói bánh như cái cớ để gặp nhau, nhắn nhủ những lời tri ân và quý mến. Ngày nay, có khi gặp nhau chỉ là cái cớ, tặng quà mới là mục đích chính - một sự sắp xếp, trao đổi sòng phẳng đến lạnh lùng.
 
Con lợn giả lợn đen của anh bạn mình là một chuyện tiếu lâm bi hài, bi thì rõ rồi, còn hài thì vì mức độ nghiêm trọng chưa nhiều, cùng nhau cười xoà một cái là xí xoá được hết. Nhưng nếu cái tâm, cái tình gửi gắm trong món quà cũng là giả nốt, cũng chỉ là một sự tính toán được "nhuộm" sơn son thiếp vàng ở bên ngoài thì khi người nhận "mổ xẻ" ra, sẽ chỉ thấy trống rỗng, vô cảm mà thôi. Mình nghĩ thế và tặc lưỡi: lợn giả là chuyện nhỏ, người giả mới là chuyện lớn. Đừng biến mình thành một thứ "hàng" giả mà ai cũng muốn tẩy chay!
 
Hải Triều