Chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân xã Tà Cạ huyện rẻo cao Kỳ Sơn, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hộ anh La Khăm Hùng ở bản Cánh Vậy nuôi lợn đen, dê núi là một điển hình. Ảnh: HT
Anh La Khăm Hùng trồng hơn 4ha chuối trên sườn núi ngay phía sau nhà. Cây chuối rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên xanh tốt và cho quả chín quanh năm. Anh Hùng nhận thấy, cho vật nuôi ăn chuối chín vừa bổ dưỡng, vừa tăng sức đề kháng và độ thơm ngon của sản phẩm thịt khi xuất chuồng. Ảnh: TP
Đàn vật nuôi đã quen với việc được cho ăn chuối, thường xuyên theo chân chủ nhân lên núi lấy thức ăn. Ảnh: TP
Dê, lợn đen được cho ăn chuối chín vàng ươm mỗi tuần 1 - 2 lần. “Dê, lợn rất thích chuối chín. Đặc biệt là dê con, ăn chuối chín rất mau lớn” - anh La Khăm Hùng cho biết. Ảnh: HT
Anh La Khăm Hùng mạnh dạn vay vốn mua con giống lợn đen, dê, bò bản địa phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, đàn vật nuôi dần sinh sôi, qua hơn 2 năm anh đã có cơ ngơi kinh tế vững chắc với đàn dê trên 30 con, đàn lợn đen địa phương 60 – 100 con vừa nuôi lợn thịt vừa nuôi lợn giống. Ảnh: TP
Ngoài cho đàn dê, lợn ăn chuối chín, anh Hùng còn chia sẻ “bí quyết” để đàn vật nuôi mạnh khoẻ, nhanh lớn và có sức đề kháng cao, ít bệnh tật là cho ăn thêm các loại lá rừng có dược tính chữa bệnh như cho dê ăn lá xoan rừng, cho lợn ăn thêm lá cây mật gấu… Ảnh: HT
Từ chăn nuôi lợn, bò, dê, mỗi năm mang lại cho anh thu nhập trên 100 triệu đồng, được xem là “triệu phú” nông dân và thoát khỏi đói nghèo bền vững. Dịp cận Tết, anh La Khăm Hùng cho biết, hiện đàn lợn đen của gia đình anh đã “cháy hàng”, không có để bán vì đã được khách đặt mua toàn bộ hơn 1 tháng trước. Ngày thường anh bán lợn đen 100 ngàn đồng/kg lợn hơi. Cận Tết giá tăng có khi lên 150 - 200 ngàn đồng/kg lợn hơi nhưng cũng không có để bán. Ảnh: HT

Clip: Thu - Phúc