(Baonghean) - Mấy hôm nay trời mưa không ngớt, cứ nghĩ đến việc ra khỏi nhà đi làm mỗi sáng là thấy chán nản trong người. Đã vậy mình còn có trách nhiệm cao cả là đưa, đón bé Bim đi học. Trường con bé lại nằm trên mặt đường thấp nhất nhì thành phố, đến được cổng trường nó là mình ướt hết cả người…

Hôm nay cũng vậy, “bò” được đến cổng cơ quan thì trông mình cứ như vừa đi nơm cá về, ướt lướt thướt chỉ còn chừa mỗi phần từ cổ trở lên. Ông đồng nghiệp cùng phòng tỏ vẻ thông cảm: 
 
- Đi xe máy hả? Chắc lại bị nước bắn vì đi “sát sườn” ô tô phải không? 
 
Được lời như cởi tấm lòng, mình trút hết nỗi ấm ức bấy lâu:
 
- Không thể chịu nổi mấy người đi ô tô, không biết đến nắng mưa nên có thèm để ý đến những người xung quanh đâu? Trời mưa, đường trơn, lẽ thường không nên đi nhanh vì nếu xảy ra tình huống gì thì phanh gấp sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể mưa lớn hạn chế tầm nhìn nữa, thế mà họ cứ phóng vèo vèo như đang ở trên đường đua công thức 1. Nhưng chưa hết, họ phải biết là xe ô tô khi chạy qua vũng nước lớn sẽ bắn lên hai bên, với tốc độ nhanh thì đôi khi nước còn té lên cao quá nóc xe ô tô, nghĩa là hoàn toàn có thể bắn vào mặt của người đi xe máy bên cạnh. Tất nhiên, trường hợp đó cũng hi hữu thôi, còn chuyện bị té nước ướt sũng người, bùn bắn bẩn hết quần áo khi đi cạnh xe ô tô là chuyện quá bình thường…Nói tóm lại, đả đảo ô tô!
 
Mình vừa nói xong thì một ông khác trong phòng lập tức lên tiếng, vẻ bất mãn:
 
- Chú nói thế là sai rồi. Người ta có ô tô tất nhiên là để lúc nắng, lúc mưa không phải chịu cảnh bất tiện. Chú nói người đi ô tô ý thức kém, thì cũng phải xem lại người đi xe máy. Cứ mỗi khi trời mưa, đi ra đường tôi ngại nhất là người đi xe máy, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Mặc áo mưa nên tầm nhìn và cử động đều hạn chế, khó tránh khỏi bất tiện trong lúc điều khiển phương tiện. Thế nhưng nhiều người lại không vì thế mà giảm tốc độ, chú ý các phương tiện khác, mặc nhiên đường ta ta đi! Lần nào đi qua các vòng xuyến, ngã tư tôi cũng chết khiếp vì hàng đoàn xe máy thi nhau “tạt đầu” ô tô, hoặc tệ hơn thì “duyên dáng” và “khoan thai” rẽ ngang trước làn ô tô chạy. Theo chú, đấy là lỗi của người đi ô tô hay người đi xe máy?
 
Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ thì một chị lớn tuổi trong phòng xen vào:
 
- Tôi thì tôi lo lắng nhất là bọn trẻ con chạy xe ngoài đường. Ngày xưa mua cho đứa con cả cái xe mini Nhật mà vợ chồng tôi còn không yên tâm, mấy ngày đầu phải thay nhau kèm nó đến trường rồi mới “thả” cho tự đi. Bây giờ đứa con út thấy bạn bè đi xe đạp điện, nằng nặc đòi bố mẹ mua cho một chiếc mà vợ chồng tôi chưa đồng ý. Nhà xa trường, con đi xe đạp nắng nôi, mưa gió cũng thương, nhưng đi xe đạp điện thì không an toàn. Xe không có xi-nhan, gương hậu, tốc độ chạy cũng tương đối nhanh. Bọn trẻ chạy xe thì thường đi thành nhóm, lo nói chuyện đùa giỡn với nhau, lỡ như có tình huống gì bất ngờ thì khó mà kiểm soát được.
 
Cả phòng ngồi bần thần và nghĩ về câu chuyện giao thông mang màu ảm đạm y như những ngày mưa dầm dề, buồn chán. Đi ô tô không ổn, xe máy không xong, xe đạp lại càng không được, vậy tóm lại, chúng ta nên sử dụng phương tiện gì? Chẳng lẽ lại quay trở về thời kỳ… tiền sử, tức là đi bộ? Mình vỗ vai ông đồng nghiệp “ô tô” một cái, ngậm ngùi: “Lỗi có lẽ chẳng tại ô tô hay xe máy, lỗi tại con người chúng ta chứ đâu!”
 
Hải Triều