(Baonghean) - Dân gian có câu “Trăm ơn không bằng hơn tiền” hàm ý chỉ sự chi phối mạnh mẽ của đồng tiền đối với con người. Mãnh lực của đồng tiền, đôi khi làm lu mờ lý trí con người, khiến người ta quên hết mọi thứ, kể cả ơn huệ, đạo lý và tính mạng người khác. Câu thành ngữ đó cũng chứng tỏ một điều, từ ngày xưa, đồng tiền đã chiếm thế thượng phong trong xã hội. Và bây giờ, vẫn vậy...

Tranh minh họa

Có vô vàn chuyện để chứng minh cho luận điểm đó, nhưng chỉ cần nói những chuyện động trời mới xảy ra gần đây thôi cũng đủ để thấy rõ điều đó. Chuyện mới đây nhất, khiến cả xã hội quan tâm, lo lắng và cả lo sợ nhất là vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo ở Lâm Đồng. Vụ sập hầm đã khiến 12 công nhân phải trải qua 4 ngày làm khách bất đắc dĩ dưới “địa phủ”. Thật khó có thể mà tưởng tượng và cảm nhận được là chừng đó con người đó đã phải trải qua những giây phút kinh khủng như thế nào trong chừng đó ngày. Ơn trời là họ đã được cứu thoát, không ai hề hấn gì. Nhưng khi nhìn lại vụ sập hầm mới thấy toát mồ hôi hột, vì rằng tai nạn này đã được báo trước.

Số liệu và cả những phát biểu của các cơ quan chức năng cho thấy một thực tế là khu vực đào hầm nền đất rất yếu. Đã có mấy nhà thầu thi công, kể cả những nhà thầu lớn, có tên tuổi, có uy tín trong lĩnh vực này như Công ty CP Đầu tư Xây dựng ngầm Vinaconex cũng phải “bỏ chạy” kèm theo lời khuyến cáo gửi tới chủ đầu tư là nếu tiếp tục làm hầm dẫn sẽ rất nguy hiểm. Vụ sập hầm đã chứng minh cho những cảnh báo đó. Vấn đề đặt ra ở đây, như lời ông Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu điều tra làm rõ là “Trước đây kiểm tra đã phát hiện địa chất yếu, sụt lún đất, mất an toàn sao không kiến nghị, yêu cầu dừng thi công để xem xét, có biện pháp xử lý?...”.

Vì sao nhỉ? Đơn giản là chủ đầu tư đã bỏ ra một đống tiền rồi, nên không thể dừng lại được. Vì dừng lại ngày nào là thiệt hại đến lợi nhuận ngày đó. Nên kiên quyết không dừng, bất chấp sự nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người khác. Còn phía đơn vị thi công, biết chắc là nền đất yếu, nhưng vẫn chấp nhận mạo hiểm. Bởi họ cần có việc làm, công ty lập ra không thể “ngồi chơi, xơi nước” được. Phải có việc làm, công nhân mới có thu nhập, công ty mới thu được lợi nhuận. Chung quy lại là bởi, lợi nhuận vốn luôn là cái đích, mục tiêu của doanh nghiệp. Các quy định, yêu cầu của pháp luật về sự an toàn, về bảo đảm chế độ cho người lao động, nhất là chất lượng công trình chỉ là sợi dây trói đối với họ. Khi giám sát lơi lỏng, khi có sự thông đồng, móc ngoặc, người ta sẵn sàng vi phạm pháp luật vì lợi nhuận. Thực tế cho thấy, ngay cả những công trình nhỏ thì thất thoát, vi phạm cũng vẫn lớn. Chính từ những sợi dây trói, quy định pháp luật khắt khe mà ở những dự án nhỏ, khi tính đếm về hiệu quả, lợi nhuận nhỏ, nhiều doanh nghiệp đành rút lui, hoặc phải xác định tất cả vì lợi ích chung, nhưng không ít nơi, không ít cá nhân, tập thể vẫn lợi dụng kẽ hở, làm liều. Biết rõ là không an toàn, không chắc chắn, nhưng vẫn đẩy công nhân vào hầm thi công. Để rồi nên nỗi... 

Một chuyện khác, hiện đang nóng hổi và gây nhiều thắc mắc xã hội. Đó là từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 12 lần giảm giá. Đưa giá xăng xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nhưng giá cả các loại hàng hóa khác thì vẫn “án binh, bất động”, kiên quyết bám trụ, không chịu rời bỏ mức giá đã được thiết lập. Chẳng bù cho trước đây, khi xăng tăng giá, các mặt hàng khác lập tức tăng giá, nhất là cước vận tải, với lý do rất chính đáng là xăng tăng giá. Mà xăng dầu là mặt hàng có ảnh hưởng sâu rộng và tức thì đến khá nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên “nó tăng là mọi thứ đều tăng”. Cho dù, xăng dầu tăng một thì các thứ khác “tát nước theo mưa” tăng theo một cách rất bất hợp lý. Khi giá xăng dầu trong nước có độ chênh với thế giới, lập tức người ta hô hào phải điều tiết giá xăng dầu theo cơ chế thị trị trường, theo sát giá quốc tế. Thế giới tăng thì ta tăng, thế giới giảm thì ta giảm... Thì nay xăng đã giảm. Giảm nhiều lần rồi mà sao các thứ khác không giảm.

Thậm chí có thứ, như điện còn rục rịch tăng. Tính công bằng  để đâu? Trách nhiệm với cộng đồng đâu cả rồi. Trong khi các bộ, ngành chủ quản lĩnh vực giá cả liên tục đốc thúc các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giao thông vận tải khẩn trương giảm giá để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và góp phần an sinh xã hội, ổn định kinh tế để đất nước phát triển. Thế nhưng, đáp lại những lời kêu gọi, những yêu cầu đó chỉ là sự im lặng. Im lặng một cách tuyệt đối. Đúng ra là người ta đang “ngậm miệng ăn tiền” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giữ giá được ngày nào là lợi nhuận tăng thêm ngày đó. Tăng nhiều và tăng cao nữa là đằng khác. Nên chẳng ai dại gì mà vội giảm. Cứ đủng đỉnh, cứ chần chừ, cứ chờ đợi trong sự thách thức là không giảm đấy, làm được gì nhau nào? Mặc cho số đông dân chúng, nhất là những người lao động và con cái họ phải vật lộn với bao khó khăn, thiếu thốn khi thu nhập thì bèo bọt mà giá cả cứ nằm ở mức cao một cách bất hợp lý và vô cảm. 

Từ đây, mới thấy là mọi chuyện sẽ trở nên bất công, tồi tệ và cả tàn nhẫn đến khủng khiếp khi mà ai cũng lấy lợi nhuận làm đầu!

Bụt Sơn