Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có vẻ như dự định tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 7 tới. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ 3 của họ, dù 2 nhà lãnh đạo đã đưa ra những tuyên bố về việc họ sở hữu mối quan hệ công việc tích cực tới nhường nào và họ thường trò chuyện với nhau qua điện thoại.
Bầu không khí chính trị trong nước của Mỹ về vấn đề Nga hiện đặc biệt căng thẳng. Nhà Trắng đang xung đột với ê kíp “điều tra Nga” của Bộ Tư pháp do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đứng đầu, người được cho là đã tìm cách thẩm vấn Tổng thống Trump. Đồng thời, xung lượng cũng đang tăng thêm trước thềm các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, khi lãnh đạo từ 2 đảng đều cảnh báo về những nguy cơ “can thiệp từ phía Nga” sâu hơn.
Tại Nga, lại có những sự hoài nghi về bất kỳ cuộc gặp Trump-Putin nào. Giới học giả và chuyên gia bình luận đưa ra những nghi ngờ về việc liệu Trump có thể đem lại bất cứ vấn đề đáng nói nào quan trọng với Moskva hay không. Tâm trạng chi phối là Tổng thống Mỹ vẫn là “con tin” của giới cầm quyền đồng lòng bài Nga của Washington và rằng bất cứ thỏa thuận nào với ông có thể bị Quốc hội Mỹ hoặc thậm chí là chính chính quyền của ông bác bỏ.
Tuy vậy, điều nên ngự trị trong tâm trí của 2 tổng thống là tình trạng nguy cấp của quan hệ Mỹ-Nga, và những hậu quả của nó đối với lợi ích của cả 2 quốc gia và an ninh toàn cầu.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và có lẽ từ đầu những năm 1980, Moskva và Washington chưa bao giờ tiến gần tới đối đầu quân sự trực tiếp đến thế, hậu quả của việc gia tăng triển khai quân, tập trận và các chiến dịch của các lực lượng không quân, hải quân, lục quân từ khu vực Baltic tới Trung Đông. Trong một số trường hợp các lực lượng của Nga và NATO gần như đã bước vào mối liên hệ thù địch, và sự leo thang đã tránh được chỉ trong tích tắc.
Cả Nga và Mỹ đều dự định đầu tư hàng tỷ USD để hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân của mình, điều mà dù có vẻ tích cực từ quan điểm về sự an toàn và độ tin cậy, song lại tạo ra ấn tượng về một “cuộc chạy đua vũ trang” mới, như 2 tổng thống xác nhận trong cuộc điện đàm hồi tháng 3. Một khía cạnh mới đặc biệt đáng quan ngại đối với nguy cơ hạt nhân là khả năng các vụ tấn công mạng do các quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia tiến hành có thể khiến một trong hai bên nâng mức cảnh báo hạt nhân của mình lên, từ đó khơi mào một phản ứng tương ứng từ phía bên kia, và có khả năng kích hoạt một chu kỳ leo thang nguy hiểm.
Cuộc gặp Trump-Putin sắp tới không thể giải quyết những vấn đề mang tính cơ bản giữa Washington với Moskva. Không ai trong 2 nhà lãnh đạo sẽ hoặc nên đưa ra nhượng bộ đơn phương về các vấn đề mà họ xem là trọng yếu đối với an ninh quốc gia của mình. Tuy nhiên, cuộc gặp có thể mở ra con đường hướng tới ổn định mối quan hệ này, điều mà trong bối cảnh hiện nay thì tự nó sẽ được xem là một thành công quan trọng.
Một bước đi đơn giản nhưng mang tính quyết định đối với sự xuống thang như vậy có thể là để 2 Tổng thống nhắc lại quan điểm chung của các Tổng thống Reagan và Gorbachev từ hội nghị thượng đỉnh Reykjavik 1986, rằng “không thể giành thắng lợi một cuộc chiến hạt nhân, vì thế không bao giờ nên tham chiến”. Trên thực tế, 32 năm trước các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đã thảo luận khả năng cùng xóa sổ vũ khí hạt nhân, một mục tiêu mà sau đó các Tổng thống Obama và Medvedev đã xác nhận và ủng hộ hồi năm 2009.
Tuy nhiên, với việc Hiệp ước về Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 thực tế đã “chết yểu” do cáo buộc 2 bên đều vi phạm, và hiệp ước START mới hạn chế các kho vũ khí hạt nhân chiến lược tổng thể dưới sức ép, một mục tiêu lạc quan trong dài hạn như không còn vũ khí hạt nhân hầu như không thể nằm trên chương trình nghị sự đối với Moskva hay Washington. Thay vào đó, 2 bên giờ phải đối diện với những hậu quả tiêu cực cấp bách của việc ngừng kiểm soát vũ trang song phương Mỹ-Nga đối với việc không phổ biến hạt nhân toàn cầu.
Điều này đặc biệt đúng sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện về chương trình hạt nhân Iran, và dựa vào khả năng thực sự rằng Iran quyết tâm phát triển vũ khí, điều này sẽ khơi mào những cơn bùng nổ hạt nhân ồ ạt trên khắp Trung Đông. Nếu muốn Hội nghị Đánh giá lại 2020 về Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân sắp tới không phải chút hơi tàn của cơ chế không phổ biến hạt nhân có tuổi đời suốt nửa thế kỷ qua, Tổng thống Trump và Putin sẽ phải đưa ra chút hy vọng rằng Washington và Moskva đảm nhận trách nhiệm của mỗi bên nhằm giảm thiểu và giải giáp theo hiệp ước một cách nghiêm túc.
Cuộc chiến tại Syria và Ukraine đã cướp đi hàng trăm nghìn mạng sống, và khiến hàng triệu người mất nhà cửa khắp Trung Đông, châu Âu và các khu vực khác. Washington và Moskva mỗi bên kiểm soát các nguồn lực và đòn bẩy ảnh hưởng cần thiết để quản lý và cuối cùng là giải quyết những cuộc xung đột này. Dù các quan chức đã tìm cách đàm phán những bước nhỏ, chẳng hạn thực thi các thỏa thuận Minsk tại Ukraine và đưa các cuộc đàm phán về Syria trở lại quỹ đạo, hiện vẫn thiếu quyết tâm chính trị, và một cuộc gặp giữa các Tổng thống Mỹ và Nga cho đến nay là cơ hội tốt nhất để mỗi bên phát tín hiệu về cam kết của họ với tiến trình này.
Cuối cùng, sau nhiều năm trừng phạt và đáp trả trừng phạt, các chính sách cô lập lẫn nhau đã khiến các quan hệ giữa người dân Mỹ và Nga hao mòn tới mức độ không thể chấp nhận, không phục vụ lợi ích của mỗi bên. Các cơ quan lãnh sự và đại sứ quán cơ bản đã bị kiềm chế nghiêm trọng bởi các vụ trục xuất nhà ngoại giao từ 2 phía, và bởi việc đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Mỹ và Nga.
Hệ quả là, du lịch, thương mại và các trao đổi khoa học, văn hóa, giáo dục đều lần đầu tiên giảm nhanh trong khoảng thời gian dài trong 50 năm qua kể từ khi Thỏa thuận chung về các hoạt động trao đổi được ký kết giữa lúc Chiến tranh Lạnh đang lên cao trào năm 1958. Kể cả khi các đòn trừng phạt vẫn đang áp dụng, 2 Tổng thống nên phát tín hiệu rõ ràng rằng các mối liên hệ giữa các nhà ngoại giao, lập pháp, doanh nhân, học giả và các nhóm dân sự là nền tảng cho các quan hệ hòa bình, hiệu quả, và do đó đặc biệt quan trọng khi các quan hệ chính thức căng thẳng.
Bất chấp khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ giữa các nước, người Mỹ và Nga vẫn quan tâm đến nhau. Người Nga vẫn xếp hàng trước Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, háo hức xin thị thực tới Mỹ, và người Mỹ là nhóm ngoại quốc đông nhất tới Nga xem World Cup trong tháng này. Việc khiến những người dân bình thường phải trả giá cho xung đột giữa các chính phủ đơn giản là không công bằng và thiển cận.
Những mối bất hòa giữa Moskva và Washington thì mênh mông, và 2 Tổng thống sẽ không tìm được điểm chung trong nhiều vấn đề. Mục tiêu của cuộc gặp không phải là để họ xem xét những khác biệt này hay đạt được một giao kèo lớn. Thay vào đó, đó nên là việc phát đi thông điệp rõ ràng và tạo không gian cần thiết để 2 chính phủ tái khởi động sự can dự hợp tác có lợi cho cả 2 bên.
Lịch sử các quan hệ giữa Mỹ và Nga cho thấy không gì có thể thay thế các liên hệ cá nhân giữa lãnh đạo 2 nước. Đây là trường hợp đúng với Richard Nixon và Leonid Brezhnev, Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, Bill Clinton và Boris Yeltsin. Những ví dụ lịch sử này giờ đây đặc biệt quan trọng, khi các liên hệ chính thức ở các cấp độ thấp hơn đang gặp trở ngại.
Cuộc xung đột hiện nay không phải và cũng sẽ không trở thành cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng cần đặt sự chú ý vào bài học sống còn từ cuộc xung đột đó, rằng ngoại giao thượng đỉnh không phải chỉ để ăn mừng những chiến thắng lớn - mà nó là để tạo động lực cho những bước đi nhỏ và những tương tác thường nhật giữ cho cuộc chiến đó không nóng lên.