(Baonghean) - Bây giờ, xem thời sự, thấy các mối quan hệ quốc tế đảo chiều chóng mặt quá bác ạ!

- Ý bác là nói ông Trump trước bầu cử thì chê Trung Quốc, chê NATO... hết lời, còn sau khi lên làm Tổng thống lại khen ngợi họ lên mây xanh chứ gì? Còn với Nga, trước đây tưởng là ông Trump lên thì sẽ thân với Nga, ai ngờ qua vụ Mỹ ném gần sáu chục tên lửa hành trình vào Syria mới biết là Mỹ lại “xỏ mũi” Nga... Đại loại như thế phải không nào?

- Ừ thì đó cũng là sự thay đổi. Nhưng đó là ông Trump thay đổi chứ không phải thế giới thay đổi.

- Thế ông muốn nói cụ thể mối quan hệ nào thay đổi?

- Thì vừa rồi thấy truyền thông Trung Quốc chỉ trích Triều Tiên và khen ngợi Mỹ, sau đó lại thấy truyền thông Triều Tiên lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Trong khi từ trước đến nay Triều Tiên vẫn được Trung Quốc coi là tiền đồn của mình, và mối quan hệ này trong thực tế là mối quan hệ đồng minh thân cận kiểu “môi hở răng lạnh”, bởi Triều Tiên có chung biên giới với Trung Quốc và có thể xem là “bình phong”, “lá chắn” cho Trung Quốc từ phía biển. Ấy vậy mà bây giờ thay đổi khác quá! Quan hệ Trung - Mỹ xem chừng có vẻ gần gũi, thế là Triều Tiên như thể đang bị “lơi” ra... 

- Ôi dào, thì nước nào mà chẳng vậy, bạn, hay đồng minh, hay là gì gì đi nữa thì cũng xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc. Khi lợi ích quốc gia dân tộc không đáp ứng được thì họ phải thay đổi chứ.

- Thì đúng thế mà lại! Nhưng suy người phải ngẫm đến ta ông ạ, để có quan điểm cho rõ ràng, nhất quán, và quan điểm đó cần phải tuyên truyền thông suốt đến toàn thể mọi người.

1493891097718.jpgẢnh minh họa, nguồn: Internet

- Ôi giời, ông cứ liên hệ nhảy cóc, có gì cứ nói thẳng, vòng vo thế khó hiểu quá!

- Có gì đâu, chẳng qua là tôi thấy ở ta vẫn có nhiều người có quan điểm “vọng ngoại”, dựa dẫm vào bên ngoài. Đành rằng, trong xu thế toàn cầu hóa thì quan hệ hợp tác là điều tất yếu, nhưng hợp tác thì khác với dựa dẫm, trông cậy hoàn toàn vào một mối quan hệ cụ thể, một quốc gia cụ thể. Ví dụ như có người cho rằng, nên bỏ các mối quan hệ thân cận ở châu Á để dựa hẳn vào một mối quan hệ ở tận bên châu Mỹ. Hoặc cũng có người lại cho rằng, cứ nên dựa hẳn và phụ thuộc vào một quốc gia nào đó hùng mạnh ở châu Á. Tôi cho rằng tư tưởng dựa dẫm, phụ thuộc vào một mối quan hệ nào đó, một quốc gia nào đó là tư tưởng sai.

- Đã gọi từ tư tưởng phụ thuộc, lệ thuộc, thì lấy đâu ra đúng! Nước nào cũng vậy thôi, tất cả các mối quan hệ đều phục vụ lợi ích trước tiên cho chính họ. Làm gì có chuyện thừa công, thừa sức, thừa của, mà đi cho không ai cái gì. Chẳng qua là đánh đổi lợi ích, thỏa thuận lợi ích, có thể trước mắt hoặc lâu dài mà ta chưa nhìn thấy thôi.

- Vậy cho nên ta cần xác định rõ là muốn phát triển, muốn cường thịnh, thì chẳng có con đường nào khác là con đường phải vươn lên bằng sức mạnh chính mình. Cứ phải xác định rõ ràng như vậy để có ý chí và khát vọng vươn lên, tuyệt đối không có tư tưởng “há miệng chờ sung”, trông chờ, ỷ lại. Do đó, chúng ta phải tự chủ và tự lực tự cường về kinh tế, về khoa học công nghệ, về năng lực tổ chức quản lý và điều hành nền kinh tế đất nước. Cùng với đó là mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Các mối quan hệ quốc tế phải đáp ứng và đảm bảo các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

- Chúng ta ai cũng phải xác định rõ như vậy, để tránh những suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ, mất phương hướng, dẫn đến bị lợi dụng, bị kích động, gây ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng chung. 

- Rất chí lý!

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN