(Baonghean.vn) Nếu như bà con các dân tộc vùng cao, miền núi đang được tập huấn làm du lịch để khai thác tiềm năng rừng, thác nước, sông, suối với các lễ hội văn hóa, các tập quán sinh hoạt riêng thì người dân vùng biển cũng có thể làm du lịch tại chỗ. Đó không chỉ là việc đầu tư các ki ốt, các quán lá bên bãi biển để bán hải sản, tắm nước ngọt và dịch vụ ăn uống. Đó không chỉ là việc xây dựng các khách sạn, các cơ sở lưu trú, bán các mặt hàng lưu niệm... mà là khách du lịchgiới thiệu và lưu giữ lại nhữngnét tự nhiên của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Cảnh vá lưới chuẩn bị cho tàu ra khơi, cảnh làm nước mắm, đảo chượp, cảnh ướp cá, phơi cá, nướng cá, chế biến ruốc, sửa chữa ngư cụ, hoạt động tấp nập trên các cảng cá lúc tàu về mỗi sớm bình minh... Đó làkhung cảnh của cuộc sống sinh động và hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những người từ những vùng đất xa đến. Đó tại sao không thể là những "điểm nhấn" đặc biệt để thu hút khách du lịch, nhất là khi những nơi này không cách xa các bãi biển, các điểm du lịch biển?

Một ngày mùa đông cách đây 2 năm, tôi đã được một gia đình vùng biển Diễn Châu đón về nhà ăn bữa cơm cá tươi. Cơm trắng và cá xóc vàng. Đối với người đi biển, con cá xóc vàng là một đặc sản.Người chồng làm nghề khai thác và người vợ làm nghề bán cá. Chị chở tôi đi bằng xe đạp trong những con ngõ lát bê tông, hai bên đường mùi thơm nồng của nước mắm và cá biển. Chị đã đưa tôi về nhà tiếp đãi với tấm lòng đôn hậu. Tôi nghĩ tấm lòng của người dân nơi nào cũngvậyvà chỉ việc được đi lại trong những con ngõ ấy, ngắm những ngôi nhà ngày một khang trang của bà con Diễn Bích, hòa trong tình làng gắn bó keo sơn của người dân biển tối lửa tắt đèn có nhau,đã là một niềm hạnh phúc đặc biệt...


Nghệ An có nhiều vùng biển đẹp như Cửa Lò, Cửa Hiền, Diễn Thành, Quỳnh Phương, Bãi Lữ... đã có hàng chục làng nghề chế biến hải sản được công nhận như: Vạn Phần , Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu), Quỳnh Dị, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu)... Nơi Quỳnh Phương với điểm du lịch tâm linh Đền Cờn, một hoạt động thu hút khách du lịch đó là mua và thưởng thức cá thu nướng, cá bống biển nướng... Nghệ An hiện nay đã có những sản phẩm hải sản chế biến hấp dẫn như tôm chua nguyên con; cá hấp, tẩm gia vị; chả cá; mực khô; cá nướng... Những làng nghề sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn nếu được đầu tư hạ tầng khang trang, sạch sẽ, đảm bảo môi trường xung quanh về nước thải, không khí. Cùng với sự vào cuộc của người dân, sự cởi mở trong giao tiếp và trong cách làm sản phẩm chuyên nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giới thiệu cách chế biến theo công nghệ tiên tiến hay gia truyền... chắc chắn các làng nghề còn có thể thu hút khách.


Về các làng nghề hôm nay, ngoài những nét đặc trưng vẫn còn thiếu những băng rôn, những biển chỉ dẫn cho du khách, các mô hình có thể tham quan, giới thiệu sản phẩm.Một số làng nghề còn bị ô nhiễm môi trường mà chưa được tư vấn khắc phục như ở Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu), ở Nghi Tân (Cửa Lò). Các làng nghề nếu được liên kết làm du lịch cũng có thể mở ra một hướng đi mới thú vị và góp phần khai thác tiềm năng kinh tế biển Nghệ An. Ngược lại, tại các bãi biển nếu được liên kết với các làng nghề, giới thiệu, đưa du khách đi tham quan làng nghề biển cũng thêm một cách làm du lịch chuyên nghiệp và thỏa lòng du khách.

Châu Lan