Lội bùn “săn cáy” nơi rừng bần thành Vinh
(Baonghean.vn) - Rừng bần ngập mặn xã Hưng Hòa, TP. Vinh là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản trong đó cáy có số lượng nhiều nhất. Tận dụng nước triều xuống, người dân cùng nhau ra rừng lội bùn săn cáy, cho thu nhập khá mỗi ngày.
21/04/2021 - 15:38
Rừng bần ngập mặn Hưng Hòa là cánh rừng nguyên sinh trù phú. Rừng có diện tích khoảng 63 ha, chiều ngang nơi rộng nhất lên tới gần 1 km, hẹp nhất cũng khoảng 300 m, trải dài từ cuối xóm Hòa Lam (cũ) đến tận cống Chín cửa bên đường ven Sông Lam, là một trong những điểm nhấn vùng ngoại thành Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Bên cạnh chức năng bảo vệ hệ thống đê điều chống ngập mặn, chống xói lở, thiên tai, rừng bần Hưng Hòa cũng là cánh rừng trù phú với sự đa dạng hệ sinh thái, là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản dân dã thơm ngon như tôm, cáy, cá.... Ảnh: Quang An
Tận dụng nước triều xuống mỗi ngày, người dân các xã ngoại thành Vinh như Hưng Hòa, Hưng Lộc... thường tập hợp thành từng nhóm để săn cáy, loại thủy sản có số lượng nhiều nhất trên cánh rừng bần này. Ảnh: Quang An
Chị Trần Thị Thúy, xã Hưng Hòa (TP. Vinh) cho biết: "Thời điểm săn cáy thường không cố định vì tùy thuộc vào thủy triều lên xuống, do phải lội bùn nên khi đi săn cáy phải chuẩn bị đầy đủ ủng, bao tay bảo vệ, lúc lội bùn phải cẩn thận vì có thể dẫm vào vùng trũng, bị sụt lún..." Ảnh: Quang An
Cáy khá giống cua, nhưng thân có hoa và chân có lông, hay sống ở vùng nước lợ, mùa cáy thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Ảnh: Quang An
Đặc thù của con cáy là trời nắng càng to thì cáy bò ra tìm thức ăn càng nhiều. Nhưng bắt cáy cũng không phải dễ, bởi chúng rất nhanh, hễ có động là chạy đi ngay, do đó, thợ săn cáy cũng phải "nhanh tay, nhanh mắt" mới có thể bắt được. Ảnh: Quang An
Trung bình mỗi người có thể bắt được từ 2 - 3kg cáy mỗi buổi, với giá thị trường hiện dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cáy có thể giúp người dân kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày, là một trong những nguồn thu nhập mà rừng bần mang lại cho người dân nơi đây. Ảnh: Quang An
Theo Đông y, cáy có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, tác dụng bổ khí huyết, liền gân xương, thông huyết mạch. Cáy hiện là một trong những đặc sản được thị trường rất ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như, xào, rang, nấu canh, làm mắm... Ảnh: Quang An