(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn thị xã Thái Hòa diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, đất sản xuất nông nghiệp cũng như gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. 

Chiều muộn ngày 31/10, trên cánh đồng mía đang lấm lem bùn đất vì dấu vết của trận lũ vừa qua, cụ bà Lê Thị Vinh (80 tuổi) ở xóm 1, làng Bồi, xã Nghĩa Tiến, Thị xã Thái Hòa vẫn cặm cụi cuốc xới lại đám mía bị hỏng để chuẩn bị trỉa ngô. Đầu bờ ruộng, ngoài chiếc ca đựng nước uống là một con dao rạ và một cơ số gạch đá. Chốc chốc, cụ bà lại ngước nhìn ra sông Hiếu như để dò xét, theo dõi một ai đó bên sông. Bà Vinh cho biết, từ mấy năm nay, không kể trời nắng hay mưa, cả gia đình bà phải thay phiên nhau ra bờ sông Hiếu để giữ đất, giữ cát, xua đuổi những người dùng ghe đến hút cát trộm ngay dưới chân phần bãi bồi của gia đình bà được cấp. “Khoảng 4 giờ sáng, đứa con trai tui đã 50 tuổi đi xe máy ra để trông chừng bọn “cát tặc”. Khoảng 6h sáng, tui ăn cơm xong lại đi ra thay cho con. Cứ như thế, cả ngày  mọi người trong gia đình cắt cử nhau ra sông để giữ đất”, bà Vinh tâm sự. 

Thấy có phóng viên đến tìm hiểu, nhiều người dân làng Bồi cũng chạy ra, tỏ vẻ bức xúc trước tình trạng “cát tặc” lộng hành. Chị Trương Thị Yến (50 tuổi) nước mắt ngắn dài cho biết, từ những năm 2000, ở vùng bãi bồi rộ lên tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Năm 2002, cậu con trai 10 tuổi của chị trong lúc đi tắm sông đã bị cuốn vào hố hút cát và chết đuối. Cũng từ đó đến nay, người dân trong làng phải thay phiên nhau giữ đất, giữ cát. Nhiều đêm, bọn “cát tặc” dùng 7 - 8 ghe, thuyền tập kết, một số người dân trong làng chạy ra dọi đèn, hô hoán nhưng cũng không làm được gì vì lực lượng quá mỏng,...

Ngang nhiên khai thác cát trái phép dưới chân cầu Hiếu

Làng Bồi có lịch sử lâu đời, được hình thành từ một bãi bồi của sông Hiếu. Do vị trí địa lý đặc biệt của làng nên có rất nhiều cát, sỏi bồi lấp ở đây, tạo thành mỏ cát lộ thiên. Phía trên là lớp đất màu mỡ, từ bao đời nay, người dân trong vùng canh tác hoa màu, mía. Sống nhờ bãi bồi nên người dân ở đây rất quý trọng từng thửa đất, doi cát, họ chỉ cho phép những người dùng xe trâu, xe bò đến xúc cát lộ thiên trên bãi về sử dụng với mục đích xây dựng. Tuy nhiên, mỏ cát làng Bồi từ lâu đã trở thành địa điểm lý tưởng cho “cát tặc” bởi trữ lượng và chất lượng tốt, chỉ cần cho vòi rồng xuống khoảng 15 - 20 phút là đầy ghe. Bãi cát lại nằm xa khu dân cư, khi người dân tổ chức được lực lượng để bảo vệ thì các chủ ghe, thuyền đã kịp bỏ chạy. 

Việc khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con, có khoảng 4ha đất sản xuất bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 1ha đã bị sạt lở, mất hoàn toàn. Đặc biệt, việc khai thác cát, sỏi trái phép đã kéo theo những mối lo về tình trạng mất an ninh trật tự. Nhiều hôm, “cát tặc” đã dùng hung khí đe dọa người dân nếu hô hoán. Bà Lê Thị Vinh từng bị một đối tượng hút cát dùng kiếm đe dọa trong một lần bà ra đồng giữ cát. Nhiều người dân vừa đi làm đồng vừa mang theo dao, rạ và những túi đá cuội để phòng thân. 

Đất canh tác của người dân làng Bồi bị sạt lở từng ngày.

Không riêng gì ở làng Bồi mà tại các điểm ở xóm Bến Hương, xã Nghĩa Hòa, giáp với huyện Tân Kỳ, xã Quang Phong, giáp huyện Nghĩa Đàn, tình trạng khai thác cát, sỏi cũng đang diễn ra phức tạp. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các chủ ghe, chủ thuyền sau khi hút trộm cát, sỏi ở bãi Bồi thường tập kết ở các bến cát hai bên cầu Hiếu thuộc địa phận phường Long Sơn và phường Hòa Hiếu để bán lại cho các chủ xe tải. Trong đó, bến cát tấp nập nhất là khu vực chân cầu thuộc phường Hòa Hiếu. Dưới sông, các ghe, thuyền tấp nập vào ra trên bờ, các xe tải cũng liên tục thay nhau lên xuống để chở cát đi bán… Vấn đề khai thác cát, sỏi trái phép từ lâu là một trong những nội dung “nóng” trong những đợt tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri ở các phường, xã của Thị xã Thái Hòa đều đưa vấn đề này ra chất vấn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Làm việc với ông Hồ Thanh Phong, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Thị xã Thái Hòa, ông Phong khẳng định, đến thời điểm này, thị xã chưa có mỏ khai thác cát, sỏi và bến tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng nào được cơ quan chức năng cấp phép. Mọi hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn đều đang diễn ra trái phép. Trong thời gian qua, Thị xã Thái Hòa đã thành lập 2 đoàn công tác, phối hợp với đoàn liên ngành của tỉnh tiến hành rà soát, đẩy đuổi các đối tượng nhưng chưa mang lại kết quả. Toàn thị xã có khoảng 56 hộ hành nghề khai thác cát, sỏi và đá xây dựng, 4 doanh nghiệp có giấy phép nhưng đã hết thời hạn khai thác.

Từ năm 2010 đến nay, chính quyền các cấp đã xử lý 58 trường hợp vi phạm, tuy nhiên việc khai thác cát, sỏi trái phép vẫn tái diễn. “Trong quá trình phát triển, nhu cầu cát, sỏi xây dựng ở Thị xã Thái Hòa rất lớn, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Tuy nhiên, cả thị xã không có một mỏ cát, không có bến tập kết nào được cấp phép là rất bất cập. Việc cấp phép thuộc thẩm quyền của tỉnh, việc quản lý bến bãi của cấp huyện, thị nên gây ra nhiều khó khăn. Hiện nay, có 2 doanh nghiệp trên địa bàn đang làm thủ tục xin khai thác cát, sỏi xây dựng. Nếu được tỉnh cấp phép, thị xã sẽ quy hoạch bến, bãi tập kết hợp lý, phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Hồ Thanh Phong cho biết.

Nói như vậy, không có nghĩa vấn đề “loạn” khai thác cát, sỏi lâu nay trên địa bàn Thị xã Thái Hòa là do mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân và việc không có mỏ, bến bãi nào được cấp phép. Trách nhiệm của việc này trước hết là ở các cơ quan quản lý trực tiếp. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của thị xã cần phải có biện pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả để vừa đảm bảo nhu cầu của người dân, vừa bảo vệ được tài nguyên khoáng sản, tránh thất thu bởi lâu nay, các bãi, các bến cát, sỏi đều đang hoạt động “chui”, không có sự quản lý.

Bài, ảnh: Đ.Tuấn -  N.Khoa