(Baonghean) - Từ khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 đến nay đã có rất nhiều ý kiến đóng góp và triển khai. Từ lãnh đạo cao cấp đến báo, đài, đến những người dân bình thường… Ý kiến chung là tin tưởng, đồng tình với chủ trương, đường lối, bước đi và sự thành công và thường nhấn mạnh là sự đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ cao nhất. Riêng những người từng công tác ở cơ sở thì nỗi lo không chi ở cấp trên, mà  thực sự lo nhất vẫn là ở cơ sở!

Phải nói rằng, lâu nay Trung ương đã có nhiều chủ trương chính sách, giải pháp ưu tiên nhiều mặt cho cơ sở, lấy cơ sở làm thước đo hiệu quả sự chỉ đạo của cấp trên và đúng sai của chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, những ưu tiên chiếu cố đó cũng chỉ nặng về sự đầu tư vật chất, kỹ thuật, vốn liếng. Điều đó cũng cần thiết nhưng không phải là phép thánh” để xây dựng cơ sở. Riêng lĩnh vực tinh thần, tư tưởng nhiều khi còn coi nhẹ, thậm chí còn bỏ ngỏ, nhất là trong học tập, chỉnh huấn chính trị. Không phải cứ có vật chất là có tất cả! Những tài liệu hướng dẫn học tập về đến cơ sở bị thất thoát, ít khi được sử dụng.

Thời gian học tập các nghị quyết Trung ương, kể cả thuyết trình, thảo luận, kiểm điểm ở cơ sở có khi không bằng một nửa, một phần ba, thậm chí một phần mười ở các cấp trên. Nhiều chủ trương quan trọng về đến xã, xóm chỉ  cần truyền đạt một vài tiếng đồng hồ và cũng chỉ lồng ghép vào các vấn đề khác để cho gọn, coi như đã triển khai. Việc kiểm điểm chung, kiểm điểm cá nhân cũng làm rất gọn ở các chi bộ, tổ, phòng, ban… Hầu hết ở nông thôn thường sinh hoạt về đêm và cũng chỉ có thể từ 8 giờ tối đến trước 10 giờ là nghỉ. Việc học tập nghị quyết, việc kiểm điểm, phê và tự phê cũng chỉ trong phạm vi đó và mỗi tháng cũng chỉ sinh hoạt được một đến hai lần. Sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên cũng khó mà làm chặt chẽ, thường xuyên, liên tục mà hầu như chỉ khoán gọn rồi bắt cấp dưới báo cáo bằng văn bản. Người làm báo cáo vừa sợ bị phê bình vừa chuộng thành tích nên đã tránh nêu khuyết điểm. Mỗi đơn vị, mỗi cấp bớt một ít thiếu sót, thêm một ít thành tích… thế là cả xã, cả huyện, cả tỉnh đều có nhiều ưu điểm, ít khuyết điểm.

Ai cũng biết, ở cơ sở có biết bao nhiêu việc hàng ngày, hàng tháng dồn dập. Công việc ở trên dội xuống, ở dân dồn lên làm cho cán bộ cơ sở hết sức bận bịu. Là cán bộ cơ sở (nhất là cấp xã) vừa là chỉ đạo, vừa phải thực hiện, việc gì cũng phải hoàn thành đúng chỉ tiêu, thời hạn… nên rất khó đến nơi đến chốn, tâm lý muốn cho xong chuyện là điều dễ thấy. Trong khi đó, trình độ cán bộ cơ sở lại đang rất hạn chế, từ việc tiếp thu đến chỉ đạo thực hiện đều rất khó đối với họ. Dù có được đi tập huấn dài ngày, sự tiếp thu khó đầy đủ nên khi về triển khai thực thế lại cũng bị thất thoát đi. Hơn nữa, trong khi đang thực thi công việc này, công việc khác lại dồn đến. Đang học tập, kiểm điểm lại phải đi họp nơi này nơi kia, lo chống hạn, chống bão lụt, lo giải quyết dân sự, lo thu quỹ nọ quỹ kia… Việc làm cho xong chuyện là điều dễ hiểu.

Ngoài trình độ, ngoài bộn bề công việc, ở cơ sở còn một thực tế nữa khiến việc kiểm điểu phê và tự phê cũng bị hạn chế: Ấy là quan hệ ràng buộc. Trong một đơn vị, một cơ quan, một tổ chức có khi có anh em, bố mẹ, con cái, thông gia, họ tộc… việc bình thường thì thôi, còn khi đưa nhau ra kiểm điểm, phê bình… liệu có ai nói thẳng, nói thật? Cấp dưới đối với cấp trên có khi là ân nhân, cấp trên đối với cấp dưới là cánh tay, là bệ đỡ (thần thiêng cốt bệ hạ) liệu có dám phê bình nhau đến nơi đến chốn? Việc nâng đỡ nhau, tôn vinh nhau đã có từ hàng chục năm, mối quan hệ này còn khó hơn cả ruột thịt, do vậy đã bị che lấp cả công lý, đạo lý, tình trạng này đã gây tổn thất trong quá khứ và rồi còn có thể gây khó khăn nhiều cho công cuộc chính đốn hiện nay.

Công tác kiểm tra, theo dõi của cấp trên với cơ sở và việc giám sát của cơ sở đối với cấp trên đang là vấn đề hình thức. Kiểm tra định kỳ có sự đối phó đã đành, kiểm tra đột xuất cũng vẫn có tình trạng được báo trước để có sự chuẩn bị… Về cơ sở, cán bộ cấp trên thường chỉ ở cơ quan, rất ít người về tận dân để tìm hiểu, hỏi han… Về dự các hội nghị ở cơ sở, có khi cấp trên có đến 4-5 người, nhưng hầu như đều về chậm và rút lui sớm. Cách phát biểu của cấp trên và đáp từ của cấp dưới cũng lắm lúc buồn cười vì nịnh nhau và xuê xoa qua chuyện.

Qua những thực tế trên, người dân rất có lý khi họ nói “trên chuyển, dưới chưa chuyển”. Nhiều cán bộ lãnh đạo thường đưa ra hình tượng: “Đã tắm là phải gội đầu, rửa mặt”. Đúng! Nhưng nếu chỉ chú trọng gội đầu, rửa mặt cho sạch sẽ sáng sủa mà không kỳ cọ tay chân thật sạch, thật mạnh… liệu có đáp ứng được yêu cầu?

Người dân, trong đó nhiều cán bộ hưu trí từng sống, làm việc nhiều thời kỳ rất sát với cơ sở, rất lo cho cơ sở trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Rất mong các cấp lãnh đạo sát hơn, chỉ đạo kịp thời, sát sao và quyết liệt mới mong đem lại hiệu quả như lòng dân và ý Đảng.


Trần Nhật Hợi