(Baonghean) - Tình trạng người tâm thần gây án trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có những vụ trọng án. Làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi phạm tội và quản lý tốt hơn đối tượng này trong cộng đồng hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhức nhối người tâm thần gây án
Người dân xóm 11, xã Nghi Xá (Nghi Lộc) vẫn chưa thể quên cái chết của ông Hoàng Văn Châu khi bị đâm nhiều nhát dao gây tử vong ngay trong gia đình mình vào ngày 20/5/2016. Hung thủ đâm ông Châu không ai khác là Hoàng Văn Nhật (SN 1990) - con trai ông. Cái chết của ông Châu khiến mọi người bàng hoàng, lo lắng bởi Nhật bị tâm thần. Gia đình đã đưa Nhật đi chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An được một thời gian, khi sắp hết đợt điều trị thì xin cho Nhật về vì sợ có tên trong sổ theo dõi người tâm thần ở địa phương. Và điều không ngờ rằng, trong một đêm tối, Nhật đã dùng dao giết chết bố đẻ của mình.
Tại xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, gia đình bà Trần Thị Yên (SN 1963, trú xóm 1, xã Nghi Công Nam) có 2 người mắc bệnh tâm thần, gồm bà Yên và cô con gái lớn. Hiện cả 2 mẹ con đang điều trị ngoại trú tại nhà. Trong khi bà Yên tỉnh táo hơn, có thể làm một vài việc vặt trong nhà thì cô con gái Phạm Thị Hoa không có khả năng lao động. Dù đã được uống thuốc đều đặn nhưng tính khí của cô hết sức thất thường. Một tối tháng 5/2016, trong lúc phát bệnh, cô cầm dao chém người anh trai đang nằm ngủ. May mắn người anh trai chỉ bị thương ở tay.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh vào đầu tháng 7/2016, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tình trạng mất năng lực hành vi dân sự gây ra nhiều vụ án thương tâm có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, có 12 vụ án giết người, trong đó có những đối tượng thần kinh, giết người thân trong gia đình.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, công tác điều tra các vụ án này hết sức khó khăn do vướng về luật. Từ năm 2013 trở về trước, các đối tượng giết người bị tâm thần, nghi bị tâm thần thì Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh trong vòng 5 ngày làm hồ sơ thủ tục đưa ra Bệnh viện tâm thần của tỉnh để giám định, điều trị và kết luận ở đó. Nhưng bây giờ Trung ương quy định đưa về Hà Nội và phải mất đến 6 tháng mới đưa đi giám định được. Thời gian dài gây khó khăn cho cơ quan công an trong công tác quản lý đối tượng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 30 vụ án liên quan đến đối tượng tâm thần.. |
Mặt khác, các bị can sau khi đi chữa trị trở về nếu một số người thân, họ hàng vẫn tỏ ra xa lánh, kỳ thị cũng khiến bệnh tình có thể tái phát và tiềm ẩn nguy hại cho cộng đồng.Theo quy định, dù gây ra những án mạng nghiêm trọng nhưng những người tâm thần nặng sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Bởi vậy, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần. Nếu kết luận, bệnh của đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định không truy tố, đồng thời kèm theo quyết định đi chữa bệnh bắt buộc. Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương.
Bất cập trong quản lý
Hiện nay, hơn 95% đối tượng tâm thần đều đang được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng. Ông Võ Văn Tuệ (xóm 2, xã Nghi Xá, Nghi Lộc) mắc bệnh tâm thần từ gần 20 năm nay. Do đang có người thân chăm sóc nên ông Tuệ không thuộc đối tượng được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tuy nhiên, diễn biến bệnh tình khó lường, người nhà ông Tuệ đành phải nhốt ông trong căn nhà cũ bố mẹ để lại. Bà Đặng Thị Phượng (em dâu ông Tuệ) cho biết: “Gia đình rất muốn đưa chú ấy (ông Tuệ - PV) vào trung tâm nhưng không đủ điều kiện. Mỗi lần chú ấy lên cơn là đập phá đồ đạc, đi lang thang ngoài đường rồi tự gây tai nạn cho bản thân. Cực chẳng đã gia đình mới phải nhốt chú ấy lại...”.
Ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc quản lý đối tượng này rất khó khăn vì phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, khả năng chăm sóc, chữa trị là rất hạn chế nên bệnh ngày càng trầm trọng. Khi đối tượng này lên cơn thì gia đình không có biện pháp ngăn chặn, đề phòng. Và gia đình thường phải xích, gông cùm lại.
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định ai, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Còn rất nhiều người khác bị mắc bệnh tâm thần thì chẳng có ai quản lý, chỉ có gia đình quan tâm chữa trị. Và vấn đề ngăn chặn thảm án do người tâm thần gây ra; hoặc truy cứu trách nhiệm khi người tâm thần gây án; hay bồi thường thiệt hại cho nạn nhân? Là những câu hỏi không dễ đưa ra lời giải đáp.
Bác sỹ Phan Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết: Có gần 500 thể tâm thần, trong đó có 15% thể tâm thần mãn tính, khó có khả năng chữa khỏi, 85% thể còn lại có khả năng chữa trị nếu được phát hiện, điều trị sớm. Theo kế hoạch, mỗi năm Nghệ An được cấp 960 triệu đồng từ nguồn Trung ương, ngoài ra còn có nguồn cấp của tỉnh để cấp thuốc điều trị miễn phí cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, năm nay, bệnh viện chưa được nhận kinh phí mà hiện đang sử dụng nguồn điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Nguồn này đến hết tháng 9 cũng sẽ hết, từ sau tháng 9 bệnh viện sẽ phải tự túc.
Nghệ An hiện có 14.311 người khuyết tật thần kinh tâm thần, trong đó có 107 bệnh nhân tâm thần nặng không có người chăm sóc hiện đang được quản lý tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, khoảng 300 bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An. Phần còn lại là do gia đình quản lý. |
Phạm Bằng