"Lo dài" cho cây sắn

(Baonghean) - Vừa qua, một nhà máy chế biến tinh bột sắn tầm cỡ cả về quy mô và công nghệ được khởi công xây dựng ở xã Hoa Sơn (Anh Sơn), là tín hiệu đáng mừng cho miền núi Tây Nam tỉnh ta đã có thêm một nhà máy. Thế là cây sắn – vốn là cây “cực chẳng đã phải ăn”, nay trở thành cây nguyên liệu để chế biến thành sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu; giá trị của củ sắn được nhân lên nhiều lần. Rồi đất đai các huyện từ Anh Sơn đến Kỳ Sơn sẽ được tận dụng. Người dân thì có thêm thu nhập. Nạn đốt rừng làm rẫy chắc sẽ ngày một giảm... Lại mừng hơn, là nếu nhà máy này hoạt động có hiệu quả sẽ là “cú hích” để thu hút thêm các nhà đầu tư vào miền núi tỉnh ta.
Tuy nhiên, chúng tôi xin mạnh dạn nêu mấy điểm sau đây để nhà đầu tư và các địa phương cùng xem xét trong chiến lược phát triển về lâu, về dài:
Thứ nhất, sắn vốn là cây dễ làm hỏng đất, bởi nó rút tỉa nước dinh dưỡng trong đất với khối lượng rất lớn, các chất mà cây sắn tiết ra qua rễ đầu độc đất. Nên nếu trồng sắn quảng canh thì ngay trên đất đã trồng sắn 1 năm, nếu tiếp tục trồng năng suất sẽ giảm rất nhanh và khó trồng được cây nào khác. Mặt khác, đất có thể quy hoạch trồng sắn nguyên liệu từ Anh Sơn đến Kỳ Sơn gần như tất cả đều là đất có độ dốc lớn, mức độ xói mòn đất rất cao, do đó mà suy thoái đất càng mạnh mẽ... Vì vậy, rất có thể sẽ dẫn đến khả năng người dân sẽ khai phá đất mới (gồm phá rừng) để trồng sắn. 
Thứ hai, người dân các địa phương trong vùng nguyên liệu của nhà máy chưa có trình độ thâm canh, nhất là thâm canh trên đất dốc, nên nếu không được hướng dẫn thật cụ thể, bài bản, thật căn cơ, thì họ chắc chắn chỉ có quảng canh, dẫn đến độ phì tự nhiên của đất nhanh chóng bị sắn vụ 1 hút kiệt, năng suất sắn vụ 2 sẽ tụt nhanh; dẫn đến  sản lượng toàn vùng giảm nhanh và nhà máy khó có đủ nguồn nguyên liệu để chế biến theo công suất thiết kế.
Thứ ba, từ nhà máy đến các vùng nguyên liệu quãng đường không hề gần. Khối lượng sắn vận chuyển về nhà máy giai đoạn 1 là 570 tấn/ngày,  cần 57 chuyến xe tải loại 10 tấn; giai đoạn 2 là gấp đôi, cần 114 chuyến xe tải... Khâu thu gom, vận chuyển giải quyết thế nào chắc chắn là bài toán không đơn giản. Không giải được tốt bài toán này, thì hoặc sẽ làm nản lòng nhà máy, hoặc nản lòng người trồng sắn.
Thứ tư, xây nhà máy khó, nhưng xây rồi thì tổ chức sản xuất, quản lý hoạt động ra sao, mối quan hệ giữa nhà máy với cả 42 xã cũng ít ra là 2.000 hộ dân trồng sắn như thế nào cho đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên; rồi vấn đề ô nhiễm môi trường... quả là khó hơn nhiều! Nhà máy mà hoạt động hiệu quả sẽ tạo sức hút cho các nhà đầu tư khác và ngược lại...
Những vấn đề nêu trên, âu cũng là đề cập đến mối quan hệ “3 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông),  mà nếu không có sự liên kết bền chặt, trách nhiệm thực sự thì khó giải quyết! 
Trương Công Anh